Anh Nguyễn Văn Hợp (bên phải), nguyên là Trưởng thôn Múc Ròm thuộc diện cán bộ dôi dư sau sáp nhập thôn trao đổi việc xây nhà văn hóa thôn Tân Quang. |
Sau sáp nhập huyện giảm 24 thôn, hiện còn 400 thôn, tổ dân phố (trong đó 375 thôn, 25 tổ dân phố). Qua việc sáp nhập thôn đã giảm 120 người ở thôn trực tiếp hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước và giảm 144 người là Trưởng Ban công tác Mặt trận, trưởng các đoàn thể ở thôn do bố trí kiêm nhiệm.
Xã Tuân Lộ đã thực hiện sáp nhập xong 6 thôn thành 3 thôn, cán bộ dôi dư sau sáp nhập đều đồng thuận. Anh Nguyễn Văn Hợp, nguyên là Trưởng thôn Múc Ròm, khi thôn sáp nhập anh Hợp thuộc diện dôi dư. Anh Hợp cho biết: Anh đồng tình với chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước về sáp nhập thôn cũng như chính sách đối với cán bộ dôi dư, không tham gia hoạt động nữa. Là đảng viên nên có làm hay không làm cán bộ thôn, anh vẫn tham gia nhiệt tình vào những việc chung của thôn và giúp đỡ cán bộ thôn hoàn thành nhiệm vụ.
Thôn Tân Quang sau sáp nhập có 138 hộ dân với 531 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Anh Đàm Đức Hạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết: Cán bộ và nhân dân đều đồng thuận việc sáp nhập thôn và kiện toàn lại cán bộ thôn. Tuy nhiên, công việc và trách nhiệm của người đứng đầu thôn vất vả hơn rất nhiều bởi địa bàn quản lý rộng hơn; hộ dân, nhân khẩu lớn. Việc này đòi hỏi cán bộ thôn phải năng động toàn diện mới đảm nhiệm được.
Mỗi xã có một cách làm riêng nhưng tựu chung lại quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố đã thực sự dân chủ, phát huy tính chủ động của người dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để mọi người nhận thức và đồng thuận với chủ trương sáp nhập này. Cấp ủy, chính quyền huyện, xã thường xuyên chỉ đạo, giám sát, tiến hành hội ý, sơ kết, rút kinh nghiệm và có phương pháp chỉ đạo dân chủ nhưng tập trung và cương quyết…
Ông Nguyễn Đình Nhật, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sơn Dương cho biết: Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, đề án của UBND tỉnh về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư sau sáp nhập thôn, tổ dân phố, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn lãnh đạo sắp xếp lại tổ chức chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời làm tốt công tác nhân sự đối với các chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Đến nay, huyện đã khắc phục cơ bản việc trưởng thôn không phải là đảng viên. Toàn huyện hiện có 199/400 thôn có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Năm 2020, huyện sẽ bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố ở tất cả các thôn, tổ dân phố.