Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non giai đoạn 2014- 2019 tại huyện Hàm Yên

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển giáo dục mầm non, trong những năm qua Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên đã chủ động, tích cực trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về phát triển giáo dục mầm non. Lĩnh vực giáo dục mầm non của huyện bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay trên địa bàn huyện có 18 trường mầm non công lập và 03 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với 258 lớp mẫu giáo, 47 nhóm trẻ (trong đó ngoài công lập 5 nhóm, 91 trẻ); so với năm 2014 tăng 01 cơ sở mầm non ngoài công lập, tăng 04 nhóm trẻ, giảm 11 lớp mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo hằng năm đạt 99,9%, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 21%/13,3% kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giao, tăng 9,7% so với năm học 2014-2015. Huyện duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi với tỷ lệ trẻ đến lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%.


Hoạt động của trẻ tại trường mầm non trên địa bàn huyện Hàm Yên

Ủy ban nhân dân huyện thực hiện nghiêm túc việc dồn ghép điểm trường, nhóm, lớp đảm bảo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí giáo viên, chăm sóc, giáo dục trẻ. Từ năm 2017 đến nay đã dồn ghép được 18 điểm trường. Tính đến hết năm 2018 toàn huyện có 08/18 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 44,4%. 100% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên. Trong đó: 50/50 cán bộ quản lý có trình độ trên chuẩn (tỷ lệ 100%) và 303 giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn (tỷ lệ 56,5%).Việc huy động các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu bước đầu được quan tâm. Giai đoạn 2014 - 2018 toàn huyện huy động được 991,89 triệu đồng từ các nguồn tài trợ cho giáo dục mầm non.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Hàm Yên còn một số hạn chế: Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ có tăng và vượt kế hoạch UBND tỉnh giao nhưng vẫn thấp so với tỷ lệ trung bình toàn tỉnh và thấp nhất trong các huyện, thành phố (tại thời điểm giám sát mới đạt 21%/tỷ lệ toàn tỉnh là 33,2%). Số trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ tại các cơ sở ngoài công lập giảm và chưa đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, đến thời điểm giám sát mới đạt 101/150 trẻ. Số trẻ không ăn bán trú tại trường chiếm tỷ lệ lớn (37,6%). Tại Trường Mầm non Yên Lâm còn 03 điểm trường chưa tổ chức được việc nấu ăn tập trung, phụ huynh mang cơm cho con ăn trưa từ sáng (để cơm trong bát, cặp lồng) nên cơm bị nguội; thực đơn gia đình tự chuẩn bị không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ (nhiểu trẻ mang cơm trắng, cơm + khoai lang). Tại xã Minh Khương tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân có xu hướng tăng qua từng năm, năm 2014 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 7,4%, thể thấp còi là 11%; đến năm 2018 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân tăng lên 11,7%, thể thấp còi tăng lên  12,7%. Từ năm 2014 đến năm 2018, hằng năm huyện đều không hợp đồng đủ số lượng giáo viên theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg theo chỉ tiêu được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, cụ thể: Năm học 2014-2015 hợp đồng thiếu 33 chỉ tiêu, năm học 2015-2016 hợp đồng thiếu 40 chỉ tiêu, năm học 2016-2017 hợp đồng thiếu 35 chỉ tiêu, năm học 2017-2018 hợp đồng thiếu 35 chỉ tiêu, năm học 2018-2019 hợp đồng thiếu 62 chỉ tiêu. Năm học 2017-2018 tại trường mầm non Đức Ninh còn xảy ra 01 vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Tại thời điểm giám sát, toàn huyện có 27 trẻ khuyết tật học hòa nhập tại 13 trường mầm non, tuy nhiên giáo viên giảng dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập chưa được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định. Toàn huyện còn thiếu 27 phòng học, có 06 phòng học tạm; 44 bếp ăn tạm, 02 bếp ăn phải mượn, nhờ; thiếu 12 nhà vệ sinh giáo viên và 20 nhà vệ sinh học sinh, 43 nhà vệ sinh học sinh là nhà tạm không đảm bảo vệ sinh; thiếu 273 bộ bàn ghế. Các nhóm, lớp được trang bị đồ dùng, đồ chơi nhưng thiếu thiết bị dạy học phục vụ công tác dạy học theo quy định.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tồn tại nêu trên, trong đợt  giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Hàm Yên giai đoạn 20140 2019, Ban Văn hóa- Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 20/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển mầm non ngoài công lập; nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ ở cả hai loại hình công lập và ngoài công lập. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn trong việc tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng tỷ lệ trẻ ăn trưa tại trường, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Bố trí ngân sách và huy động xã hội hóa giáo dục để xây dựng, tu sửa phòng lớp học, nhà bếp, mua sắm bổ sung trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho bậc học mầm non. Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh mầm non theo quy định.

Ban Văn hóa - Xã hội
Hội đồng nhân dân tỉnh

Tin cùng chuyên mục