Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thihành từ ngày 01/7/2011.Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nướcvà phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 cònchưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013; mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận. |
Tham gia thảo luận đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã góp ý vào nhiều nội dung quan trọng của Luật Thanh tra (sửa đổi).
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính,đại biểu nhất trí với quy định có Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.Về tổ chức của Thanh tra sở, Thanh tra huyện, hiện nay do biên chế không nhiều nên thường là thanh tra sở, thanh tra huyện bố chí biên chế thanh tra ít, không đảm bảo yêu cầu hoạt động thanh tra. Do đó, để đảm bảo yêu cầu thanh tra thường phải thực hiện "Biệt phái" công chức. Vì vậy đề nghị bổ sung thêm công chức thanh tra vào tổ chức của Thanh tra sở, Thanh tra huyện.
Về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, đại biểu đề nghị giữ nguyên thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm như Luật Thanh tra hiện hành. Vì thực tế nội dung, đối tượng thanh tra chuyên ngành của sở thường là cá nhân, tổ chức nhỏ, lẻ. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra của từng cơ quan, đơn vị để người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó quyết định và triển khai thực hiện, để phù hợp với yêu cầu công tác quản lý nhà nước của từng cấp chính quyền và các quy định về phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của đơn vị, địa phương mình.
Về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng nên nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết của việc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra, vì Đoàn thanh tra hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Người ra quyết định thanh tra; người được giao thẩm định, muốn có đủ cơ sở pháp lý, đủ căn cứ thẩm định thì phải tiến hành kiểm tra, xác minh theo quy định. Như vậy, cuộc thanh tra đó sẽ tiến hành 2 lần, không đảm bảo nguyên tắc của dự thảo Luật là: “Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước và các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát khác”; bên cạnh đó việc thẩm định sẽ phải có thời gian nhất định để thực hiện, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời hạn ban hành kết luận thanh tra.
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ hơn một số nội dung:Về xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra; về quy định thời gian tối đa được tạm dừng cuộc thanh tra; về "Cộng tác viên thanh tra"; phân định rõ ràng trình tự, thủ tục thực hiện thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành...để hạn chế trùng lắp,chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, đồng thời đảm bảo chặt chẽ trong quá trình áp dụng thực hiện./.