Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao (Từ 23.5.2022 đến 16.6.2022). Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Các nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp đều đạt sự đồng thuận rất cao; mặc dù bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và thời gian kỳ họp như dự kiến.

Qua 6 phiên thảo luận tổ, 23 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường đã có 2.138 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận; 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại phiên thảo luận tại hội trường. Tại 5 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đã có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu ngắn gọn, súc tích, có chất lượng, thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng của các vị đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm trình Quốc hội với chất lượng cao nhất. Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác...
 


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (chiều ngày 16/6/2022).

Tham dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trước cử tri, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần vào thành công của kỳ họp. Tại kỳ họp này, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tín nhiệm, phân công làm Tổ trưởng tổ thảo luận số 09 gồm 24 đại biểu thuộc 4 Đoàn: Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Với 12 lượt phát biểu tại Tổ và 5 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào nội dung của kỳ họp.

Trong công tác xây dựng Luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý vào các dự án: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở... thống nhất với sự cần thiết phải ban hành, sửa đổi các dự án Luật trên để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành Luật; đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng có những góp ý cụ thể vào các nội dung dự án Luật.

Đối với Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi): Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị một số nội dung cụ thể: cần tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện như hiện nay; chỉ quy định một đầu mối thanh tra chuyên ngành tại Bộ để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, đồng thời bảo đảm tinh gọn bộ máy; bổ sung thêm công chức thanh tra vào tổ chức của Thanh tra sở, Thanh tra huyện để đảm bảo yêu cầu hoạt động thanh tra; giữ nguyên thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm như Luật Thanh tra hiện hành; nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết của việc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra...

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Đề nghị thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề nên thực hiện như hiện nay, vì số lượng cán bộ y tế cả nước rất lớn, Hội đồng Y khoa quốc gia khó bảo đảm được việc cấp, gia hạn, bổ sung chứng chỉ hành nghề được kịp thời; giữ quy định cấp giấy phép hành nghề đối với y sỹ. Bởi vì chức danh này ở vùng núi, vùng khó khăn, hải đảo vẫn còn thiếu cán bộ y tế; nên có quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử theo đúng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay...
 


Đại biểu Quốc hội tỉnh bấm nút biểu quyết thông qua các dự án luật.

Đối với Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Đề nghị tiếp tục nghiên cứu tiếp cận quyền con người, đặc biệt là với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, bởi vì những đối tượng này thường bị bạo lực trong gia đình; nghiên cứu, quan tâm tới các yếu tố vùng, miền, đặc điểm, văn hóa, dân tộc trong quá trình xây dựng Luật để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới, vì đây là các yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến việc có tố giác hay không tố giác hành vi vi phạm về bạo lực gia đình; bổ sung nội dung, nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong việc hỗ trợ người bị bạo lực, đảm bảo quyền hợp pháp của họ. Đối với hành vi bạo lực gia đình, đề nghị nghiên cứu bổ sung hành vi cưỡng ép tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hành vi lợi dụng phong tục, tập quán biến tướng gây ra bạo lực gia đình. Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gồm những cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình...

Đối với Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện: Đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của Luật với các quy định có liên quan đến tần số vô tuyến điện tại các Luật khác để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp; phải có sự quản lý về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; có quy hoạch rõ ràng về tần số vô tuyến điện, trong đó phân định rõ phần nào giao cho phát triển kinh tế-Quốc phòng an ninh-Viễn thông-phát thanh truyền hình...để quản lý tài sản quốc gia được tốt hơn.

Đối với Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở: Đề nghị quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước; rà soát lại những quy định còn chồng chéo đối với các nội dung có liên quan đến quan hệ lao động như đối thoại lao động, thỏa ước lao động tập thể; cần cụ thể hóa số lượng phải có từ 50% trở lên cử tri hoặc hộ gia đình tham gia hội nghị cử tri, đồng thời ngoài họp trực tiếp phát phiếu, cần bổ sung hình thức thông qua zalo, face book...

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đồng tình với các nhóm giải pháp đồng bộ của Chính phủ đã đề ra trong những tháng cuối năm 2022, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm phân bổ vốn đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để các địa phương triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và sớm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra; xem xét tăng nguồn vốn hỗ trợ việc làm cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để phân bổ cho các địa phương thuộc chương trình này tạo điều kiện để có thêm nhiều người dân có việc làm ổn định; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được giao;  có biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là kiềm chế, bình ổn giá xăng dầu để hạn chế nguy cơ lạm phát; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá với các nước láng giềng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững.


Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh: Các đại biểu khẳng định, đây là dự án rất quan trọng, các quy hoạch được phê duyệt đều đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển giao thông - vận tải và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đến nay Dự án chỉ còn một phần nhỏ chưa hoàn thành nhưng lại nằm ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số... Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị đề nghị Chính phủ đánh giá rõ những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm trễ nêu trên. Đồng thời xác định rõ mục tiêu, cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm chỉ đạo hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025, trong đó bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn để hoàn thành hai dự án đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi -Bến Nhất, Gò Quao -Vĩnh Thuận; chủ động, tích cực và tập trung triển khai thực hiện Dự án theo đúng tiến độ và yêu cầu của Quốc hội, bàn giao kịp thời cho các địa phương và tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả công trình.

Về việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm xử lý nợ xấu: Đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài việc áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42/NQ-CP và đưa nội dung này vào Nghị quyêt chung của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi, tác nghiệp giữa các cơ quan liên quan, khắc phục những hạn chế trong triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP thời gian vừa qua; sớm luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định, thống nhất và hoàn thiện hơn trong công tác xử lý nợ...

Về Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng việc xây dựng các công trình dự án trên là cần thiết, tiếp tục tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội khu vực có liên quan và đáp ứng nhu cầu phát triển của 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, tuy nhiên quá trình thực hiện cần phải đảm bảo đúng quy trình thủ tục pháp lý và phải đáp ứng tiến độ, chất lượng của công trình.

Tham dự hoạt động chất vấn của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải 02 nội dung, cụ thể: Thứ nhất là về giải pháp để khắc phục hiện tượng các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh giá nguyên vật liệu, nhiên liệu thời gian qua tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Thứ hai là nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ thi công công trình, dự án giao thông do một số nhà thầu năng lực tổ chức thi công, năng lực tài chính còn yếu kém... Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình các nội dung liên quan đến câu hỏi của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đóng góp trí tuệ, tiếng nói của mình trong việc biểu quyết các dự án luật và tham gia quyết định một số vấn đề quan trọng khác của đất nước, trên tinh thần đảm bảo lợi ích chung của quốc gia phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân; sự chuẩn bị chu đáo, tích cực; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia đầy đủ các nội dung, chương trình; đóng góp chung vào thành công của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV./.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục