Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban tiếp công dân tỉnh.
Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo báo cáo của UBND huyện Chiêm Hóa, trong những năm qua các vụ việc khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn huyện chủ yếu thuộc lĩnh vực tranh chấp đất đai; thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại lên các cấp. Từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện và xã đã tiếp 3.567 lượt công dân (trong đó: Lãnh đạo tiếp 1.915 lượt). Đã tiếp nhận 3.078 vụ việc qua đơn thư (khiếu nại: 08 vụ việc; kiến nghị, đề nghị, phản ánh: 3.060 vụ việc); số vụ việc không đủ điều kiện thụ lý: 06 vụ việc, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết: 3.072 vụ việc (Khiếu nại 12 vụ việc; kiến nghị, đề nghị, phản ánh 3.060 vụ việc); đã xử lý, giải quyết xong 2.984/3.072 vụ việc, đạt 97,1 %, đang tiến hành giải quyết 88 vụ việc.
Đoàn Giám sát Đoàn ĐBQH làm việc tại xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa). |
Qua giám sát thực tế tại xã Xuân Quang, Tân Thịnh và làm việc trực tiếp với UBND huyện, Đoàn giám sát đã chỉ ra một số hạn chế như: Công tác chỉ đạo điều hành về hệ thống văn bản chưa đầy đủ, quy chế chế tiếp công dân chưa được điều chỉnh theo các văn bản quy định mới; việc xử lý khiếu nại tố cáo chưa thực sự đảm bảo, chưa ban hành kế hoạch phân công tiếp công dân, giải quyết tố cáo để phân công cấp ủy và HĐND tiếp công dân hằng tháng. Nơi tiếp dân còn thiếu về cơ sở vật chất, chưa đảm bảo cho việc tiếp công dân; việc tiếp công dân hằng tháng đã được quan tâm nhưng chưa được thường xuyên; sổ tiếp công dân một số vụ việc không có chữ ký xác nhận của công dân; UBND xã đã được cài đặt phần mềm tiếp công dân, tuy nhiên đến thời điểm giám sát vẫn chưa được ứng dụng; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo, đề nghị xảy ra chưa được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở; hồ sơ giải quyết một số vụ việc ban đầu chưa chặt chẽ dẫn đến công dân tiếp tục gửi đơn đến các cấp, các ngành...
Đồng chí Phó trưởng đoàn giám sát Âu Thị Mai phát biểu kết luận. |
Kết luận buổi làm việc, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai đề nghị UBND huyện Chiêm Hóa và các cơ quan tư pháp của huyện có giải pháp cụ thể để khắc phục kịp thời những hạn chế Đoàn giám sát đã chỉ ra, cụ thể:
1. Tiếp tục quan tâm quán triệt thực hiện các Chỉ thị của Đảng và tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động chỉ đạo việc thi hành Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo thuộc phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các các đơn vị trong chỉ đạo, thực hiện tiếp công dân định kỳ, đột xuất, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Có giải pháp hiệu quả giải quyết các tồn tại hạn chế trong quá trình thi hành pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Quan tâm kiện toàn, bố trí công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo vị trí việc làm; nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm, kỹ năng giải thích, tuyên truyền, vận động của cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3. Tiếp nhận, xử lý phân loại và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp, trong đó chú trọng đến việc đối thoại, giáo dục, thuyết phục người dân trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc khiếu nại đông người.
4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết đơn để kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.
5. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân đảm bảo trọng tâm, trọng điểm; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở.
6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hệ thống triển khai của Thanh tra Chính phủ./.