Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV tại xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương

Sáng ngày 28/6/2023, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội và đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Tuyên Quang đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.


Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri xã Thượng Ấm.

Dự buổi tiếp xúc cử tri có các đồng chí: Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Huyện ủy-Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Sơn Dương.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý báo cáo kết quả kỳ họp và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tại Hội nghị, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 08 luật, 17 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó có 03 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Cho ý kiến về 09 dự án luật, riêng Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2 đã lấy ý kiến của Nhân dân được hơn 12 triệu lượt ý kiến; Quốc hội xem xét các vấn đề về nhân sự, phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác. Đây cũng là những cơ sở pháp lý quan trọng, tiếp tục góp phần bảo vệ quyền và nghĩa vụ của công dân.

Tại kỳ họp Quốc hội đã thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã cơ bản hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022. Nhất là về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước những tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 tăng 3,32%, đây là mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là rất khó khăn. Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đang tăng trưởng âm so với cùng kỳ, xuất khẩu 4 tháng giảm 13%. Bên cạnh đó, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, đặc biệt là đối với doanh nghiệp đã thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa…

Kỳ họp đã tổ chức 10 phiên thảo luận tổ, 03 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, đã có 1.533 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu; 1.415 lượt đăng ký, 695 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận Hội trường; trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 112 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm…

Đồng chí Ma Thị Thúy cũng đã báo cáo với cử tri hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp thứ 5. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động, tích cực chuẩn bị, kỹ lưỡng trước kỳ họp; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung nghiên cứu, với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ vào nội dung của kỳ họp, đã có 15 lượt đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ và 08 lượt phát biểu tại Hội trường. Các ý kiến thảo luận, chất vấn của đại biểu trong Đoàn tập trung vào các vấn đề được cử tri quan tâm; nhiều nội dung góp ý vào các dự án luật, dự thảo các nghị quyết của Đoàn được uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý.


Cử tri xã Thượng Ấm kiến nghị với đại biểu Quốc hội.

Cử tri xã Thượng Ấm bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chất lượng kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; đánh giá cao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương, Quốc hội và với nhiều nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời cử tri cũng kiến nghị, đề nghị một số vấn đề với các cấp, các ngành Xem xét, bố trí thêm chức danh Phó trưởng thôn, vì hiện nay ở cấp thôn chỉ có chức danh Trưởng thôn, rất khó khăn trong quá trình chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ vấn đề Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bảo hiểm ý tế và quỹ đất để xây dựng Trưởng Mầm non xã Thượng Ấm, hiện nay Trường mầm non đang xây dựng nhờ trên đất của Trường Tiểu học; Về nâng cấp, mở rộng con đường nối từ đường ĐT 186 đến Bưu điện Chợ Xoan, đoạn qua Phân Trại k3 - Trại giam Quyết Tiến; Về hỗ trợ kính phí xây mới cầu qua suối Đình thuộc thôn Cận, xã Thượng Ấm hiện nay đã xuống cấp, không đảm bảo cho việc đi lại của nhân dân.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến.

Phát biểu với cử tri, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã thông tin thêm với cử tri một số điểm nổi bật của kỳ họp thứ 5, nhất là Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực... Ghi nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị tâm huyết của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định, đồng thời mong muốn cấp ủy, chính quyền huyện, xã nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai các giải pháp để khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn./.

Nguyễn Hạnh
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục