Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút các nguồn lực đầu tư, chú trọng cải cách thủ tục hành chính; thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhiều chương trình “Cà phê doanh nhân”. Chỉ số PCI năm 2018 đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố với 63,01 điểm, so với năm 2015 tăng 16 bậc, vươn lên trong nhóm các tỉnh có điểm số khá.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 03 khâu đột phá và 04 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm đạt trên 8%/năm. Trong đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm được xác định để triển khai thực hiện.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam dự Hội nghị DCI - 5 năm thử thách và cải thiện môi trường kinh doanh do Ban chỉ đạo PCI của tỉnh tổ chức (Ngày 28-12-2019)

Ngày 27/5/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu Nghị quyết là xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp; thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; huy động đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên 1.500 doanh nghiệp; giảm tối thiểu 30% thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số thành phần tăng bình quân 0,2 - 0,9 điểm/năm, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp hạng ở các tỉnh đứng đầu trong nhóm thứ hạng khá…

Hội đồng nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, điển hình là một số nghị quyết sau: 1) Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh: Quy định chính sách hỗ trợ các Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh gồm: Hỗ trợ lãi suất vay vốn, mỗi Hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất 01 lần vốn vay, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất theo dư nợ thực tế nhưng tối đa là 5.000 triệu đồng/dự án; Hỗ trợ xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn áp dụng theo tiêu chuẩn, hỗ trợ 01 lần 80% chi phí thực tế đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn phù hợp với quy trình (theo tiêu chuẩn trong nước: Mức hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng/HTX; theo tiêu chuẩn quốc tế: Mức hỗ trợ tối đa 600 triệu đồng/HTX); hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ HTX thành lập mới… 2) HĐND tỉnh Tuyên Quang căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết quy định chính sách đặc thù về đầu tư, đất đai, lãi suất cho các doanh nghiệp có dự án nằm trong danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định. Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ tập trung đất đai; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ trồng mới, trồng lại cây chè; hỗ trợ chăn nuôi trâu, chăn nuôi lợn tập trung. Ngân sách hỗ trợ được sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh và nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. 3) Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017, căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Nghị quyết quy định hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Miễn phí trả kết quả thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ giá trị hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tự tổ chức đo lường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: Hỗ trợ giá trị hợp đồng tư vấn về liên kết sản xuất, kinh doanh, sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tự tổ chức đo lường… 4) Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. 5) Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 về việc thông qua bảng giá đất 5 năm (2020-2024) trên địa bàn tỉnh. 6) Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp;… Các cơ chế, chính sách của HDNĐ tỉnh ban hành được các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân rất đồng tình; nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách trong hỗ trợ thành lập mới, trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh; thực hiện các nghị quyết đã góp phần khơi thông các nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực doanh nghiệp và địa phương có lợi thế.

Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh luôn chú trọng triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đã thu hút đầu tư được 160 dự án, tăng gấp đôi số dự án đăng ký từ năm 2015 trở về trước, nâng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến nay là 328 dự án, với tổng số vốn trên 49.360 tỷ đồng. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực có liên quan đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giảm từ trên 30% đến 83%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (lĩnh vực đấu thầu cấp huyện giảm từ 50-83%, lĩnh vực tư pháp giảm từ 40-77%, lĩnh vực tài nguyên và môi trường giảm đến 59%, lĩnh vực đầu tư kinh doanh giảm đến 50%...). Tháng 7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; từ năm 2016-2019 đã tổ chức được 7 Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, tổ chức được 16 kỳ “Cà phê doanh nhân” với trên 3.000 lượt doanh nghiệp tham gia; qua đó đã trả lời và kịp thời xử lý giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 01 chỉ thị, 08 quyết định, 13 kế hoạch và nhiều văn bản để triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính; đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách hành chính (CCHC)của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh: Năm 2016 và 2017 chỉ số CCHC của tỉnh xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc so với năm 2015; năm 2018 xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 03 bậc so với năm 2017. Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố chú trọng thực hiện các biện pháp để nâng cao chỉ CCHC, đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1173/QĐ-UBND ngày 15/8/2016. Kịp thời công bố, công khai các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách của Nhà nước, của tỉnh, quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh, thuế…trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, các phương tiện thông tin, báo, đài… Thủ tục hành chính về thuế tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp đăng ký khai và nộp thuế điện tử tại cơ quan thuế/tổng số doanh nghiệp hoạt động đạt 98,7%, tỷ lệ số chứng từ nộp thuế điện tử/tổng số chứng từ nộp thuế đạt 96,9%, tỷ lệ số tiền nộp ngân sách nhà nước qua hình thức điện tử đạt 97,3%, 100% hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT được thực hiện bằng phương thức điện tử…

Trong thời gian tới, để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của tỉnh, duy trì và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (DCI), cần phải thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung phát triển doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra, chú trọng phát triển sản xuất trong trang trại, gia trại; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo các danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề cao; tích cực các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đất đai, mặt bằng, vốn; tiếp tục tổ chức các chương trình “cà phê doanh nhân”, các hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo cấp huyện với các doanh nghiệp; tiếp nhận những kiến nghị và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp./.

Ngô Hùng

Tin cùng chuyên mục