Chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn). Ảnh Trần Liên |
Ngày 01/8/2019, tại kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 11). Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được ban hành góp phần giải quyết khâu yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay là việc hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người nông dân từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng đối với các sản phẩm nằm trong danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 11: Các nông trại, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác; cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện nghị quyết này.
- Về chính sách hỗ trợ, số tiền hỗ trợ được quy định cụ thể tại Điều 2, Nghị quyết số 11:
+ Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 100 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.
+ Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 5,0 tỷ đồng.
+ Hỗ trợ giống: Hỗ trợ 70% chi phí mua giống, tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã, mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng.
+ Hỗ trợ bao bì, nhãn mác: Hỗ trợ 100 chi phí mua bao bì, nhãn mác sản phẩm, tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã, mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng.
+ Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản ý chất ượng: Hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới (không áp dụng đối với chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật của các dự án, đề tài khoa học cấp tỉnh), áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi (bao gồm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, các chứng nhận chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm), mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyêt số 11 trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn thực hiện. Ngày 10/3/2020, liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Hướng dẫn số 302/HDLN-SNN-STC-SKHĐT thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (Hướng dẫn số 302), với những nội dung chính cụ thể:
1. Về xây dựng kế hoạch và giao dự toán kinh phí thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ:
- Chủ trì liên kết xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng năm và kinh phí đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 11 gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 30 tháng 7 hàng năm.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giao cho các cơ quan chuyên môn thẩm định, sau đó xác định nhu cầu kinh phí thực hiện hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chi tiết theo từng nguồn vốn, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt theo quy định.
2. Về trình tự, thủ tục hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp:
- Hồ sơ đề nghị hỗ trợ: Đơn đề nghị, dự án liên kết hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ, bản thỏa thuận cử đơn vị chủ trì liên kết… (theo thứ tự từ mẫu số 01 đến mẫu số 05 ban hành kèm theo Hướng dẫn số 302);
- Trình tự thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ liên kết:
Trường hợp UBND tỉnh phê duyệt dự án liên kết: Hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ; trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày thành lập Hội đồng thẩm định, Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định, nếu hồ sơ đủ điều kiện thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt (nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì thông báo và nêu rõ lý do cho chủ đầu tư dự án liên kết được biết).
Trường hợp UBND cấp huyện phê duyệt dự án liên kết: Hồ sơ gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đó các bước thực hiện, thời hạn thực hiện… trình UBND cấp huyện phê duyệt giống như trình UBND tỉnh phê duyệt).
- Nghiệm thu thực hiện hỗ trợ: Nghiệm thu tiến độ thực hiện các nội dung hỗ trợ và nghiệm thu hoàn thành dự án.
Cơ quan chủ trì nghiệm thu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án liên kết do UBND tỉnh phê duyệt; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế thành phố đối với dự án do UBND huyện, thành phố phê duyệt.
Thời gian nghiệm thu: Đối với nội dung hỗ trợ giống, nghiệm thu theo vụ (hoặc chu kỳ sản xuất) sau khi hoàn thành gieo, trồng, nhưng trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày; đối với các nội dung hỗ trợ khác thời gian nghiệm thu là sau khi hạng mục hoàn thành.
- Hồ sơ nghiệm thu: Chủ trì dự án liên kết gửi 3 bộ hồ sơ đề nghị nghiệm thu đến cơ quan chủ trì nghiệm thu, gồm: 1) Văn bản đề nghị nghiệm thu của chủ trì dự án liên kết; 2) Bản sao quyết định phê duyệt dự án liên kết; 3) Hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung nghiệm thu.
3. Về thủ tục thẩm định, cấp kinh phí hỗ trợ:
- Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ: Hồ sơ gửi đến Sở Tài chính (đối với dự án liên kết do UBND tỉnh phê duyệt); Phòng Tài chính - Kế hoạch (đối với dự án liên kết do UBND cấp huyện phê duyệt), gồm: 1) Văn bản đề nghị cấp kinh phí; 2) Biên bản nghiệm thu; 3) Bản sao quyết định phê duyệt dự án liên kết; 4) Bản sao quyết định giao vốn của cơ quan có thẩm quyền; 5) Các tài liệu khác có liên quan.
- Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ trong vòng 10 ngày Sở Tài chính, (Phòng Tài chính - Kế hoạch) thẩm định, trình UBND tỉnh, (UBND cấp huyện) phê duyệt kinh phí hỗ trợ.
4. Quyết toán dự án liên kết: Chủ trì dự án liên kết thực hiện việc quyết toán dự án theo quy định hiện hành.
Hướng dẫn liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh đã cụ thể nội dung trong Nghị quyết số 11 và các quy định của pháp luật có liên quan, từ thời hạn tiến hành thực hiện các thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ liên kết, nghiệm thu thực hiện hỗ trợ, thẩm định, cấp kinh phí hỗ trợ... Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 11 xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án xin hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, tài liệu theo đúng Hướng dẫn số 302 để nguồn kinh phí được cấp kịp thời, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho các tổ chức, cá nhân thụ hưởng và góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh trong thời gian tới./.