Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Hội đồng nhân dân tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Nước là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy thủy điện. (Thủy điện Tuyên Quang - Nguồn Internet)

Theo đó, Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được thực hiện với các nội dung: đánh giá trữ lượng nước trên địa bàn tỉnh; quy hoạch phân bổ nguồn nước (nguyên tắc phân bổ nguồn nước, phân bổ nguồn nước); bảo vệ tài nguyên nước (yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, mục tiêu chất lượng nước mặt, chất lượng nước dưới đất, bảo vệ môi trường nước mặt, bảo vệ môi trường nước dưới đất, phòng, chống cạn kiệt nguồn nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra (phòng, chống sụt lở đất, phòng, chống sạt lở bờ sông, bãi sông). Tổng nhu cầu vốn cho các dự án ưu tiên là 44,5 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn đến năm 2020 là 18,5 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là 26 tỷ đồng.

Tuyên Quang là tỉnh có mật độ sông suối cao, khoảng 0,9 km/km2. Mùa lũ tập trung tới 80% tổng lượng nước trong năm, thường xuyên gây ngập, lụt ở một số vùng. Trên địa bàn tỉnh có 3 con sông lớn chảy qua, gồm sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Trữ lượng nước ngầm có thể khai thác tại các lưu vực sông vào khoảng 4,2 triệu m3/ngày. Ngoài việc cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất, nước còn cung cấp phát điện cho 2 nhà máy thủy điện Tuyên Quang và Chiêm Hóa, mỗi năm đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trung bình 1.500 tỷ đồng. Nước tạo nguồn nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp vào giá trị sản xuất nông nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 3.056 công trình khai thác nước mặt với tổng lưu lượng nước khai thác gần 17 triệu m3/năm. Trong số đó, có trên 42% là công trình thủy lợi tạm thường xuyên bị xuống cấp, lũ lụt hàng năm gây hư hỏng. Toàn tỉnh có trên 138.000 giếng khoan khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng nước khai thác trên 62 triệu m3/năm. Cơ bản nguồn nước đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân.
Tổng trữ lượng tài nguyên nước (lượng nước có thể sử dụng) trên địa bàn tỉnh là 46.846,91 triệu m3; trong đó, trữ lượng nước mặt là 45.267,9 triệu m3, trữ lượng nước dưới đất là 1.579,02 triệu m3. Lượng nước có thể phân bổ năm 2020 là 40.861,39 triệu m3; năm 2025 là 40.926,37 triệu m3; năm 2035 là 41.069,61 triệu m3. Quy hoạch phân bổ nguồn nước phải đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt với quy mô dân số toàn tỉnh vào năm 2020 dự kiến khoảng 795.866 người với nhu cầu 27,05 triệu m3; năm 2025 là 832.743 người với nhu cầu 32,53 triệu m3 và đến năm 2035 khoảng 911.702 người với nhu cầu 38,39 triệu m3. Đồng thời, chia sẻ, phân bổ hài hòa, hợp lý tài nguyên nước của tỉnh cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch…đảm bảo nước cho hệ sinh thái và duy trì môi trường dòng chảy. Khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất, phối hợp với khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt để cung cấp ổn định nước cho sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp.
Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm rà soát, lập Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012; Quyết định số 2426/QĐ-TTg ngày 28/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung đến năm 2025; đáp ứng các yêu cầu khai thác, sử dụng hiệu quản nguồn tài nguyên nước một cách bền vững phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế biến động dòng chảy, phân vùng chức năng của nguồn nước; Xác định tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác, thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước; Xác định yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước và các hệ sinh thái thủy sinh; Xác định các công trình, biện pháp phi công trình bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt để bảo đảm chức năng của nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra…
 

Theo Cổng thông tin Điện tử tỉnh

Tin cùng chuyên mục