Nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển của quê hương

Tín dụng chính sách là nguồn lực chủ yếu trong việc hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững. 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi diện mạo mỗi vùng quê, đời sống của người nghèo được nâng lên, thoát nghèo bền vững.

Thành công nhờ những “cánh tay nối dài”

Bà Lê Thị Kim Dung, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khẳng định, Ngân hàng Chính sách xã hội là một tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và có những đặc điểm riêng so với các tổ chức tín dụng khác, do đó tín dụng chính sách vừa phải đảm bảo tính chất tín dụng vừa mang tính xã hội rộng rãi.

Mô hình này bao gồm: Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện; bộ phận cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chuyên trách làm nhiệm vụ chuyên môn; các tổ chức chính trị - xã hội làm dịch vụ ủy thác cho vay; các tổ tiết kiệm và vay vốn do cộng đồng dân cư tự nguyện thành lập, làm nhiệm vụ bình xét công khai, dân chủ để lựa chọn người có đủ điều kiện vay vốn.

Đây là mô hình đặc thù, hoàn toàn mới đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xã hội hóa hoạt động tín dụng ưu đãi. Qua 15 năm, nguồn vốn tín dụng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đóng góp quan trọng vào chương trình giảm nghèo của Tuyên Quang. 


Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra việc sử dụng vốn vay trồng bưởi của hộ gia đình anh Vũ Văn Công, thôn Sơn Hạ 2, xã Xuân Vân (Yên Sơn).  

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ, đảng viên tạo sự thống nhất cao.

Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo và giám sát thực hiện các Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương, tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện lồng ghép tín dụng ưu đãi với các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2015, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo bổ sung 141 đồng chí là Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện. Toàn tỉnh hiện có 230 cán bộ lãnh đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiêm nhiệm công tác quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. 

Theo bà Lê Thị Phí Hà, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ban đại diện HĐQT các cấp đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội; chỉ đạo kịp thời cho các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Các thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp là đại diện của các cơ quan chủ quản các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương đã tích cực gắn kết giữa việc thực hiện các mục tiêu của chương trình quốc gia với hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình. 

Đặc biệt, kể từ khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, vai trò quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong việc triển khai và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã.

Thông qua công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát; tham gia họp giao ban hằng tháng với Ngân hàng Chính sách xã hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn tại điểm giao dịch xã, Chủ tịch UBND cấp xã đã kịp thời nắm bắt được tình hình quản lý vốn vay và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng, tạo điệu kiện cho hoạt động của tổ giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội được an toàn, hiệu quả.

Huyện Na Hang hiện đã có 36.641 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có 9.586 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Theo lãnh đạo UBND huyện Na Hang, để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của Chính phủ từ khâu chỉ đạo thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn; bình xét cho vay đảm bảo dân chủ và công khai; xác nhận danh sách đối tượng vay vốn; phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn vay đến việc thành lập và chỉ đạo tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, tích cực đôn đốc thu hồi và xử lý các khoản nợ tồn đọng. 

Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chính sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, nhất là hoạt động của các điểm giao dịch tại xã từ chính quyền cấp xã, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội ngày càng thuận lợi, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách được cải thiện rõ rệt. Các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc thực sự là “cánh tay nối dài” cùng với ngân hàng tạo thuận lợi cho các đối tượng được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tỉnh đoàn hiện có dư nợ trên 410,2 tỷ đồng với 467 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn từ ngân hàng đã giúp hình thành, nhân rộng nhiều mô hình đoàn viên thanh viên làm kinh tế giỏi. Tính đến thời điểm này, toàn đoàn có 756 mô hình kinh tế thanh niên, 21 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế. Nhiều mô hình hoạt động tốt và hiệu quả như mô hình trang trại chăn nuôi lợn sinh sản của đoàn viên Trần Trọng Thân, Hầu Đức Hiếu, xã Phú Lương (Sơn Dương) cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm; mô hình trồng bưởi Diễn của đoàn viên Hoàng Mạnh Tùng, xã Tứ Quận, mô hình trồng cam của đoàn viên Triệu Văn Viễn, Xuân Vân (Yên Sơn) có thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng/năm… 

Kết quả đến 30-6-2017, dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể đạt 2.221,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,08% tổng dư nợ, với 2.565 tổ tiết kiệm và vay vốn. Cụ thể: Hội Nông dân tỉnh quản lý dư nợ 540,1 tỷ đồng, Hội Phụ nữ tỉnh quản lý dư nợ 770,6 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh quản lý dư nợ 500,5 tỷ đồng, Tỉnh đoàn quản lý dư nợ 410,2 tỷ đồng. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương hiện đạt 14,8 tỷ đồng. Trong đó, nhận ủy thác từ ngân sách tỉnh là 12,2 tỷ đồng, còn 2,6 tỷ đồng là ủy thác từ các huyện, thành phố. 


Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhớn, thôn Trung Việt 1, xã An Tường (TP Tuyên Quang) nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. 

Không ngừng lớn mạnh

Theo bà Lê Thị Phí Hà, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, khi mới thành lập, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhận bàn giao 3 chương trình: Cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay dự án IFAD từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước tỉnh với tổng dư nợ 142,410 tỷ đồng. Sau 15 năm, chi nhánh đã triển khai cho vay thêm 12 chương trình tín dụng chính sách mới, nâng tổng số chương trình cho vay đến 30-6-2017 là 15 chương trình. 

Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm theo mục tiêu của tỉnh, đến hết năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,81% xuống còn 23,33%, giúp cho 111.091 hộ thoát nghèo; tạo việc làm ổn định cho 23.166 lao động; hơn 24 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng hơn 69 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 10 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 37 nghìn lượt hộ gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh... 

Bên cạnh 15 chương trình cho vay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đóng góp cho các chương trình kinh tế - xã hội lớn của tỉnh. Nguồn vốn cho các xã vay thực hiện xây dựng nông thôn mới hiện đạt 406,1 tỷ đồng, trong đó 16 xã đạt chuẩn có dư nợ 292,5 tỷ đồng; 7 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2017 là 113,5 tỷ đồng. Cho vay theo Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND, ngày 22-7-2015 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi có dư nợ 83,5 tỷ đồng, với 1.710 hộ được tiếp cận. 

Công tác an sinh xã hội cũng được đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng. Công đoàn cơ sở chi nhánh đã vận động cán bộ đoàn viên công đoàn, người lao động đóng góp ủng hộ Quỹ tình nghĩa, Quỹ an sinh xã hội, tổng số tiền vận động đóng góp 1.656 triệu đồng; ngoài ra, cán bộ đoàn viên công đoàn, người lao động đóng góp trực tiếp để hỗ trợ 7 lá chưa lành với số tiền là 12,6 triệu đồng; xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa với số tiền 120 triệu đồng, hỗ trợ giúp 10 hộ nghèo xã Yên Lâm, Yên Phú, huyện Hàm Yên làm nhà với số tiền 300 triệu đồng; xây dựng một lớp học mầm non tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên số tiền 300 triệu đồng; ủng hộ công tác an sinh xã hội của Công đoàn Ngân hàng trên địa bàn số tiền 79 triệu đồng; ủng hộ đồng bào biên giới, Gạc ma số tiền 72 triệu đồng. Chi nhánh còn thường xuyên tham gia tích cực ủng hộ các chương trình an sinh xã hội, hoạt động từ thiện - xã hội tại địa phương như: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Bảo trợ người khuyết tật,... với số tiền 376 triệu đồng.

Toàn tỉnh hiện còn trên 55,8 nghìn hộ nghèo; trên 18 nghìn hộ cận nghèo. Số thôn bản đặc biệt khó khăn là 669 thôn, trong đó thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực II là 127 thôn và khu vực III là 572 thôn. Giai đoạn 2016-2020, chi nhánh phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng chính sách xã hội cung cấp. Nguồn vốn và dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10 - 12%; đến năm 2020 dư nợ đạt khoảng 3.168 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hàng năm tăng tối thiểu 10 tỷ đồng.  

* Dư nợ cho vay hiện đạt 2.242,1 tỷ đồng, tăng 2.124,7 tỷ đồng so với cuối năm 2002. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2002 - 2017 là 22,3% năm.

* Đã có 346.842 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn. Mức cho vay bình quân/hộ qua các năm đã được tăng lên cụ thể là: Năm 2002 mức cho vay bình quân/hộ là 5 triệu đồng; đến 30-6-2017 mức cho vay bình quân/hộ tăng lên là 22,4 triệu đồng.

* Đến năm 2020 dư nợ đạt khoảng 3.168 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hàng năm tăng tối thiểu 10 tỷ đồng.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục