Cán bộ Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao công nghệ, trường Đại học Tân Trào kiểm tra giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô. |
Thôn Bờ Hồ, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) hiện có hơn 70 ha rừng. Năm 2018, bà con trong thôn đăng ký nhận hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết 03 hơn 6 ha, nhưng sau đó, do không chờ được nguồn cây hỗ trợ, bà con tự mua cây giống để trồng rừng. Bí thư Chi bộ thôn Bờ Hồ Nguyễn Phúc Thịnh chia sẻ, việc mua cây giống lâm nghiệp từ các cơ sở gieo ươm, kinh doanh bên ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chất lượng không được đảm bảo, ảnh hưởng đến năng suất rừng trồng.
Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật Lê Văn Dần cho biết, việc triển khai Nghị quyết số 03 trên địa bàn xã hiện còn một số khó khăn. Như diện tích phải đảm bảo từ 0,5 ha trở lên/hộ thì mới được hỗ trợ, nhưng hiện nay trên địa bàn xã, diện tích rừng trồng của bà con tương đối manh mún. Một số hộ đủ diện tích thì do thời gian cung cấp cây giống không đáp ứng đúng thời điểm khai thác. Ông Dần minh chứng, hiện nay đang là thời điểm mưa xuân, bà con sau khi khai thác rừng cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm nay đã chuẩn bị đất để sẵn sàng trồng rừng. Vì theo kinh nghiệm, trồng rừng thời điểm này cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với thời điểm hè thu. Năm 2018, bà con trong xã đăng ký hơn 30 ha để nhận hỗ trợ, nhưng do việc hỗ trợ chậm, nên bà con tự mua cây giống về trồng đúng vụ xuân.
Năm 2018, huyện Chiêm Hóa chỉ có 63 ha trong gần 200 ha đăng ký ban đầu được cung ứng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Theo chị Trần Thị Mai Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, nhiều diện tích năm trước không được cung ứng do không đủ diện tích, hoặc do cung ứng chậm nên bà con mua cây giống từ bên ngoài về trồng. Năm nay, bà con đã đăng ký 153 ha rừng nhận hỗ trợ, hiện phòng đang hướng dẫn bà con tiếp tục đăng ký nhận hỗ trợ.
Theo ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc lập kế hoạch hỗ trợ cây giống chất lượng cao được thực hiện từ tháng 7 của năm trước. Việc thiết kế rừng trồng giao cho người dân tự thực hiện. Năm 2018, toàn tỉnh đăng ký hơn 1.600 ha nhưng sau khi thẩm định lại chỉ còn 1.039 ha đủ điều kiện cấp cây giống. Phần còn lại không được cấp cây giống là do diện tích không đủ 0,5 ha trở lên, đất chưa được cấp giấy chứng nhận, đất có tranh chấp, đất còn cây trồng trên đất hoặc bà con không chờ được đã chủ động mua cây về trồng…
Năm 2019, toàn tỉnh đăng ký 1.074 ha rừng trồng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, trong đó keo lai mô là 883 ha, keo tai tượng hạt nhập ngoại là 191 ha. Khắc phục những vấn đề nảy sinh từ năm trước, năm nay, việc hỗ trợ cây giống chất lượng cao được Chi cục Kiểm lâm tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó việc đấu thầu đơn vị cung ứng giống cây lâm nghiệp đã cơ bản hoàn thành trong quý I-2019; việc đo đạc, xác định rừng không đủ diện tích được thực hiện xong từ quý IV năm 2018… Hiện nay, tại một số địa phương, việc giao cây đã được thực hiện từ tháng 4, sớm hơn 1 tháng so với năm 2018. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh đã giao được hơn 200 nghìn cây giống chất lượng cho 2 huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang, tập trung vào giống keo lai cấy mô. Ông Tạ Văn Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn cho biết, năm nay bà con trong huyện đăng ký 512 ha rừng nhận hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Các địa phương đã được cung ứng 487 ha. Ông Tình cho biết, nếu so với năm trước thì việc cấp cây giống nhanh hơn gần 3 tháng. Tiếp nhận cây giống đến đâu, bà con tranh thủ trồng rừng đến đấy.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Triệu Đăng Khoa, với những giải pháp gỡ vướng các vấn đề trong cung ứng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, dự kiến năm nay việc cấp cây giống chất lượng cao sẽ hoàn thành sớm hơn so với năm trước. Đây cũng là thời điểm trồng rừng tốt nhất (từ tháng 4 đến tháng 6) khi đất đã đủ độ ẩm, cần thiết cho sự phát triển, sinh trưởng của cây trồng.