Theo đó, Nghị quyết có 14 Điều quy định các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021; nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; nguồn số liệu về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính để thực hiện việc sắp xếp; đề án sắp xếp; lấy ý kiến cử tri về đề án, phương án sắp xếp; Hội đồng nhân dân các cấp thông qua phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; số lượng lãnh đạo, quản lý và biên chế công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức; kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và hiệu lực thi hành. Trong đó, Nghị quyết quy định một số nội dung chính sau:
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã. Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết phải thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục luật định; gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo, giải trình rõ đối với một số trường hợp đặc biệt trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện theo quy định.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc do UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; hồ sơ đề án do Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện. UBND cấp tỉnh gửi nội dung phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính đến UBND cấp huyện, cấp xã để thực hiện việc lấy ý kiến cử tri; thời gian, trình tự, thủ tục tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết này và hướng dẫn của Chính phủ.
Trên cơ sở đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính của UBND cấp tỉnh, ý kiến của cử tri địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tại các đơn vị hành chính có liên quan thảo luận, biểu quyết việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo trình tự từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được quy định: Tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính tương ứng có hiệu lực thi hành. Tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của đại biểu HĐND tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được hình thành sau khi sắp xếp thực hiện theo quy định tại các điều 134, 136, 137 và 138 của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Khi xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đánh giá, phân loại, dự kiến bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, xác định số lượng dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải có lộ trình hợp lý. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dự do sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ; ngoài ra trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đặc biệt, Nghị quyết quy định đối với việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức như sau: UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã những nơi sắp xếp đơn vị hành chính chủ động triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm: Tổ chức tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin đầy đủ cho công dân về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức xây dựng đề án, lấy ý kiến cử tri và thông qua phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định; tổ chức sắp xếp, ổn định bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.