Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Kim Long nắm tình hình kiên cố hóa kênh mương theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh tại xã Hào Phú (Sơn Dương). |
Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh tập trung thảo luận sâu đối với 13 báo cáo và 10 dự thảo nghị quyết. Các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đối với các báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình thi hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm không chỉ nêu lên những kết quả đạt được của các cấp, ngành, các địa phương mà còn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và được chứng minh bằng những con số cụ thể, những dẫn chứng sinh động.
Các báo cáo thẩm tra và phần thảo luận đã nêu lên nhiều vấn đề cấp thiết, được nhân dân và cử tri quan tâm kiến nghị như: Một số sản phẩm nông nghiệp đạt thấp và giảm so với kế hoạch như sản phẩm chè, diện tích mía phế canh có chiều hướng tăng; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt thấp, nhiều xã không tổ chức được nhóm trẻ.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã được theo dõi báo cáo giám sát chuyên đề bằng hình ảnh của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Dân tộc về hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn từ năm 2015 đến năm 2017. Phần báo cáo giám sát chuyên đề bằng hình ảnh phản ánh sinh động những vướng mắc, khó khăn trong xây dựng nhà văn hóa bằng cấu kiện; những hạn chế trong việc quản lý, sử dụng, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn gây sự lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước...
Anh Bàn Văn Lụ, cử tri thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết: Với những tồn tại, hạn chế báo cáo giám sát nêu tại kỳ họp trong hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn từ năm 2015 đến năm 2017 đã được chỉ ra, tôi tin rằng trong thời gian tới chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công các công trình hạ tầng ở vùng đặc biệt khó khăn để người dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các công trình đó.
Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Việt Hòa |
Đặc biệt, kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh đã thảo luận và biểu quyết thông qua kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang theo Quyết định số 1766/QĐ - TTg ngày 10-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là vấn đề quan trọng, đang được đông đảo cử tri quan tâm, nhất là đồng bào di dân tái định cư.
Ông Lương Văn Hà, Bí thư Chi bộ xóm 23, xã Kim Phú bày tỏ sự phấn khởi, kỳ vọng về nghị quyết này. Ông nói: Tôi rất mừng vì các đại biểu HĐND tỉnh đã chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của người dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang đến kỳ họp. Tôi mong những giải pháp mà nghị quyết đưa ra sẽ sớm được UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức triển khai để ổn định đời sống người dân tái định cư.
Tại kỳ họp lần này, một vấn đề cấp thiết, cần được UBND tỉnh, UBND cấp huyện, các sở, ngành tập trung giải quyết được các đại biểu thảo luận kỹ. Đó là những khó khăn trong thanh toán BHYT giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH. Tình trạng này đã dẫn đến một số bệnh viện không có tiền chi thường xuyên, phải nợ tiền thuốc, vật tư, hóa chất; một số phòng khám đa khoa khu vực đã dừng việc điều trị nội trú cho người bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa cho biết: Thời gian qua, việc chưa thanh toán được chi phí khám, chữa bệnh BHYT giữa bệnh viện với BHXH đã gây khó khăn trong hoạt động của bệnh viện cũng như thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ y, bác sỹ của bệnh viện. Được biết tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp và các đại biểu đã tập trung thảo luận để tháo gỡ những vướng mắc này. Tôi tin tưởng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh để sớm làm việc, có ý kiến đề xuất với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Chính phủ xem xét có giải pháp giải quyết, kịp thời thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định.
Trong số 10 dự thảo nghị quyết được kỳ họp HĐND tỉnh lần này thông qua, có một số nghị quyết về cơ chế, chính sách có tác động quan trọng tới chương trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động của Ủy ban MTTQ xã và Ban công tác Mặt trận khu dân cư, chương trình giảm nghèo. Ông Đặng Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 8, xã Quý Quân (Yên Sơn) cho biết, việc ban hành nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là cần thiết để thực hiện hiệu quả hơn nữa cuộc vận động này và khuyến khích đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Văn Màu, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông (Na Hang) luôn theo dõi sát kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh qua báo chí cho biết, ông rất quan tâm tới dự thảo nghị quyết mà kỳ họp ban hành về phân bổ kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Bởi xã Thượng Nông hiện mới đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn nhiều tiêu chí phải thực hiện với nguồn vốn lớn, cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông phấn khởi cho rằng, nghị quyết được triển khai sẽ tạo động lực cho các xã, nhất là những xã còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nỗ lực vươn lên.