Kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2026

Trong những năm qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh ngày càng chặt chẽ, thống nhất và đạt được những kết quả tích cực. Hiệu quả trong phối hợp công tác chính là điều kiện thuận lợi để HĐND tỉnh và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.

Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026

Thực hiện Chỉ thị số 45- CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện nghiêm túc việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng; hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Kết quả đã có gần 600.000 cử tri (tỷ lệ 99,81%) tổng số cử tri đi bầu cử, bầu ra 6 đại biểu Quốc hội, 55 đại biểu HĐND tỉnh, 237 đại biểu HĐND cấp huyện, 2.992 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.


Cử tri bầu cử tại Khu vực bỏ phiếu số 1, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang).

Công tác trao đổi thông tin, phối hợp chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh

Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh. Tại các kỳ họp thường lệ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân tới kỳ họp. Đây chính là một trong những kênh thông tin quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách cũng như lựa chọn vấn đề giám sát, khảo sát nhằm phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.


Lãnh đạo Ủy ban mặt trận Tổ Quốc tỉnh phát biểu tại phiên họp thứ 34 của Thường trực HĐND tỉnh (ngày 27/5/2024). Ảnh PC.

Hằng tháng Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đều dự phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh để cùng thảo luận, tham gia ý kiến đối với những nội dung, vấn đề thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật. Sự phối hợp trao đổi thông tin thường xuyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho HĐND tỉnh và Uỷ ban MTTQ tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời phát huy và khẳng định vai trò của MTTQ tỉnh trong tham gia xây dựng chính quyền.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh đã tăng cường sự phối hợp trong lựa chọn, đề xuất nội dung, chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND cũng như trong xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh hằng năm nhằm đảm bảo thống nhất, tránh trùng lắp, chồng chéo về nội dung, thời gian, đối tượng giám sát.


Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tại các hội nghị phản biện xã hội của MTTQ đối với các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Ban của HĐND tỉnh đều dự và tham gia ý kiến, là kênh thông tin quan trọng để chủ trì hội nghị phản biện tham khảo, kết luận, giúp cơ quan tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết nghiên cứu, chỉnh sửa, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh đã nghe kết quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên. Qua đó cung cấp thêm các thông tin để HĐND tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chức năng quyết định, chức năng giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương.

Hoạt động tiếp xúc cử tri; tổng hợp và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Trên cơ sở kế hoạch tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cấp huyện, cấp xã phối hợp với các tổ đại biểu tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri tại 329 điểm; tổng hợp 890 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của cấp tỉnh chuyển đến Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri. Đồng thời phối hợp theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị của cử tri.


Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 3 cấp sau kỳ họp thứ tám tại xã Nhân Mục (Hàm Yên).

Việc phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và tiếp xúc cử tri 2 cấp (tỉnh, huyện); 02 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực Giáo dục- Đào tạo và về cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành là điểm mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri của nhiệm kỳ 2021- 2026; đảm bảo vai trò đại diện của cơ quan dân cử tại địa phương.

Phối hợp thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu

Căn cứ Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội khóa 15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Thường trực Ủy ban MTTQ đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của 30 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu chuyển đến Thường trực HĐND tỉnh… Đây là một trong những căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh đánh giá tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

Kết quả 100% người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu đều có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao, trong đó: Người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao cao nhất là 96,22%; người có tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất là 75,47%.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh trong thực hiện hoạt động giám sát có lúc, có việc chưa chặt chẽ. Công tác phối hợp để tổng hợp và theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri có việc chưa kịp thời.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp như sau:

Thứ nhất, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ Chương trình phối hợp công tác giữa HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh từng giai đoạn phù hợp chức năng, nhiệm vụ các đơn vị và nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp hoạt động.

Thứ hai, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh cần tăng cường phối hợp tổ chức tốt hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trọng tâm là Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trước và sau kỳ họp theo quy định. Tăng cường hướng dẫn cơ sở để nâng cao chất lượng ý kiến của cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri và chất lượng xây dựng Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri. Thường xuyên phối hợp trong giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung các nghị quyết về cơ chế, chính sách… cũng như tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành có liên quan đến đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ… và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh… theo tinh thần Đề án số 02- ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

TQDS

Tin cùng chuyên mục