Bứt phá ngoạn mục

Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành của tỉnh đã bắt tay ngay thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra theo phương châm “không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu”. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các ngành, các địa phương, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển mạnh. GRDP quý I-2023 tỉnh ta tăng 8,42% thuộc TOP 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cả nước. Đây là thành quả bước đầu để tỉnh ta đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trên 9%. Báo Tuyên Quang giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài phân tích, đánh giá sâu những kết quả đã đạt được trong quý I-2023.

Bài 1: Tăng trưởng sản xuất công nghiệp dẫn đầu cả nước

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, quý I-2023 chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh dẫn đầu cả nước, với mức tăng trưởng 18%.

Bứt tốc tăng trưởng 18%

Sản xuất công nghiệp có sự bứt tốc ngoạn mục với giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 4.535 tỷ đồng, đạt 22,2% kế hoạch, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2022. Theo số  liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, Tuyên Quang vươn lên dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp IIP, với 18%. Kết quả này đã phản ánh sự nỗ lực của tỉnh, các ngành, doanh nghiệp trong thực hiện tháo gỡ khó khăn, tập trung cao độ cho sản xuất trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, khó khăn thị trường xuất khẩu, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất tăng. Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2020 như: Thép tăng 105%, giấy in viết tăng 23,7%, gỗ tinh chế tăng 15%...

Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang xuất khẩu quý I đạt 15 tỷ đồng nhưng số hàng sản xuất ra trong quý gấp đôi. Hiện công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II-2023. Anh Phạm Xuân Hưởng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết: Hiện nay, đơn vị đã ổn định được việc làm cho 100 lao động vì đã ký được đơn hàng xuất khẩu cho cả quý II. Theo tín hiệu này, mục tiêu phấn đấu doanh thu 100 tỷ đồng năm 2023 khả năng cao sẽ đạt. Sản phẩm ván sàn công nghiệp của đơn vị xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaisia…


Sản xuất sợi bao bì Jumbor của Công ty TNHH bao bì DHT - Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).  

Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG, một trong những doanh nghiệp có đơn hàng đều từ cuối năm 2022. Anh Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Công ty cho biết, ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, năm nay công ty đã phát triển thêm thị trường các nước EU. Đáp ứng đơn hàng đã ký, công ty nâng kế hoạch sản xuất, tăng 1,7 lần so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm đã có 1,8 triệu sản phẩm được sản xuất, bằng 44% cả năm 2022. Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty sẽ sản xuất thêm 3,5 triệu sản phẩm nữa. Dự định cuối năm đưa thêm nhà máy may Km 31 - Thái Sơn (Hàm Yên) đi vào hoạt động.

Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang - VVMI cho biết, đơn vị sản xuất cả dịp Tết nên số lượng sản phẩm đạt được 200 tấn, đạt 100% kế hoạch. Khắc phục giá vật liệu đầu vào cao, đơn vị đã thực hiện khoán chi phí từng phân xưởng, từng bước tiến tới khoán đến từng công đoạn sản xuất để kích thích, thúc đẩy người lao động tăng năng suất, tăng hiệu quả để tăng thu nhập. Đồng thời, công ty khuyến khích cán bộ, công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất, tỉnh có thêm các dự án công nghiệp mới vào sản xuất như Nhà máy gạch tuynel công nghệ cao; Nhà máy Sao Việt Wood… đã góp phần tăng khối lượng sản phẩm công nghiệp.

Các giải pháp linh hoạt

Kết quả tăng trưởng khối lượng sản phẩm công nghiệp trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Với quan điểm “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, ngay sau Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất trong các doanh nghiệp, hợp tác xã dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn.

Tại hội nghị, các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp được lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành lắng nghe và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu năm. Cùng với đó, tỉnh triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ về các gói hỗ trợ hồi phục kinh tế như: Hỗ trợ lãi suất 2%/năm, giảm tiền thuê đất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Ngành Công Thương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Đồng chí Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, thời gian qua, Sở Công Thương đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh với đối tác có nhu cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng hóa. 


Sản xuất ván sàn xuất khẩu tại Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang.

Đồng thời, kịp thời thông tin biến động của thị trường, tìm kiếm, giới thiệu cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm của tỉnh.  Ngành phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, hồi phục sản xuất như giãn nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất. Sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để đề xuất các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ, định hướng chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên liệu, vật tư, sản xuất, nhất là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho các lĩnh vực may mặc, da giày...

Ngành Công Thương đã tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh: Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty TNHH Feldspat An Bình, Công ty TNHH Hirtap, Công ty TNHH Future of Sound... để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sản xuất. Với những giải pháp của ngành, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh có nhiều tích cực, đóng góp vào kết quả GRDP đạt 8,42% trong quý I-2023.  

Phần lớn các đơn vị đã ổn định lại sản xuất và có xu hướng phát triển hơn. Tuy nhiên, có một số đơn vị do thị trường hẹp buộc phải dừng sản xuất, sản xuất cầm chừng. Để phục hồi sản xuất, bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển hướng đa dạng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Đây là thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang bất ổn.

Nhờ có những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ; sự quan tâm sát, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, đặc biệt ngành Công Thương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, từ triển khai đúng, kịp thời các gói hỗ trợ Trung ương, địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp. Cùng với sự nỗ lực, chủ động từ phía các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất theo hướng đa dạng sản phẩm, linh hoạt trong tìm kiếm thị trường nên khối lượng sản phẩm công nghiệp tăng trưởng. Chỉ số này là tín hiệu tốt, báo hiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh đã và đang phục hồi, phát triển sản xuất hiệu quả, tích cực đóng góp cho mục tiêu xuyên suốt đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững.
>> Bài 2: Du lịch khởi sắc

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục