Bác Hồ với Nông dân (Ảnh: Tư liệu)
Thứ nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người sáng lập Nhà nước Việt Nam, và là người đứng đầu Nhà nước trong 24 năm. Người đã để lại dấu ấn đậm nét về một phong cách lãnh đạo Nhà nước, trở thành chuẩn mực cho các thế hệ lãnh đạo Nhà nước ta sau này.
Đó là phong cách giản dị, gần dân, sát dân, luôn chăm lo đến cuộc sống của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôn trọng dân, được Nhân dân kính trọng, yêu mến. Như chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu tưởng đã thân thiết từ lâu”.
Sinh ra trong một gia đình nho nghèo, cùng sống với các tầng lớp Nhân dân lao động, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm có quan niệm và lối sống gắn bó với Nhân dân ngay từ khi còn là học sinh ở trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ (1908). Người cha Nguyễn Sinh Sắc đã bị khiển trách nặng về hành vi của con mình và sau đó, vào năm 1909, bị triều đình Huế điều chuyển làm tri huyện Bình Khê, Bình Định. Đó là cũng là bản án của triều đình dành cho người cha có con trai đang manh nha tư tưởng chống Pháp quyết liệt.
Rời trường học, Người bắt đầu cuộc đời lao động kiếm sống, hoạt động yêu nước và cách mạng. Làm giáo viên trường Dục Thanh (Bình Thuận), Người chủ yếu dạy chữ quốc ngữ, hán văn, lịch sử. Người gắn bó với thanh niên học sinh, truyền cho họ lòng yêu nước và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc. Tiếp đó, Người vào Sài Gòn tìm đường ra nước ngoài “xem người ta làm thế nào để về giúp nước”.
Bôn ba qua nhiều nơi trên thế giới trong gần 10 năm đầu sống ở nước ngoài, Người đã làm đủ nghề để kiếm sống và để hoạt động cách mạng. Làm phụ bếp trên tàu thủy, Người chia sẻ những nỗi vất vả, nguy hiểm của thủy thủ, khuyên nhủ họ dành tiền giúp gia đình. Làm bồi bàn, Người gói những miếng bánh mỳ còn nguyên vẹn khi dọn các bàn ăn, dành để cho những người vô gia cư ở Luân Đôn sau khi hết buổi làm. Người gần gũi và trở thành đồng chí với các nhà cách mạng châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, trong Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa.
Sự gắn bó với Nhân dân trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và sau khi về nước không chỉ thể hiện quan điểm xuyên suốt gần dân, gắn bó với dân của Hồ Chí Minh, mà còn là một trong những nguyên nhân thành công trong sự nghiệp cách mạng rất phong phú và nhiều gian nan của Người. Hai lần bị địch bắt, bị giam trong tù (1931, 1942-1943), Người chia sẻ những nỗi đau của bạn tù, của người nhà họ, của người dân những nơi Người bị áp giải đi qua. Trong những năm đấu tranh giành chính quyền và bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ, Người sống cùng dân, được Nhân dân hết lòng giúp đỡ, chở che, là nguồn lực, niềm tin vào lý tưởng cách mạng.
Khi trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người vẫn sống cuộc sống bình thường, ở trong ngôi nhà dành cho những người lao động.
Dù bận giải quyết nhiều công việc hệ trọng, Người vẫn quan tâm sâu sắc cuộc sống hằng ngày của các tầng lớp Nhân dân. Trong 10 năm (1959 - 1969), với độ tuổi 70, Người đã có trên 700 lần đi xuống cơ sở thăm và tìm hiểu cuộc sống của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân".
Sự quan tâm đến con người, đến mọi tầng lớp nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tập trung trong bản Di chúc, lời căn dặn và tâm nguyện cuối cùng của Người. Trong những lời căn dặn, Người yêu cầu Đảng, Nhà nước quan tâm thường xuyên đến mọi tầng lớp Nhân dân, không quên một ai, kể cả những người “lầm đường, lạc lối” hay những người là “hậu quả của chế độ cũ để lại”. Người dặn Đảng, Nhà nước phải dựa vào dân để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội mới, bởi đây là “cuộc chiến khổng lồ”, chỉ có thể thực hiện được khi dựa vào dân.
Tấm gương suốt đời gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn của một anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, một nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Thứ hai: Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã xác lập các cơ sở nền móng pháp lý, tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta. Các cơ sở pháp lý đó là nền tảng tư tưởng để tổ chức, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước qua các giai đoạn Cách mạng của dân tộc.
Cơ sở pháp lý đó là Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959.
Ngay tại phiên họp đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (3/9/1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ: Chúng ta phải có hiến pháp dân chủ. Ngày 20/9/1945, ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để chuẩn bị đệ trình Quốc hội. Ủy ban gồm 7 người, do Người làm trưởng ban. Là người sáng lập Nhà nước dân chủ mới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác.
Thứ ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người khởi xướng, khơi nguồn cho truyền thống dân chủ hiện đại ở nước ta, làm cho Nhân dân ta thực sự được hưởng những quyền tự do, dân chủ, hướng dẫn Nhân dân làm chủ, thực hành dân chủ trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ của lực lượng sản xuất thấp, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 3-2-1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, báo Nhân dân đã trân trọng đăng trên tranh nhất bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Bác Hồ. Nội dung của bài báo chính là vấn đề mà Bác thường xuyên quan tâm trong suốt mấy chục năm qua. Ngày 25 tháng 1 năm 1969, Bác cho mời đồng chí phụ trách Tuyên huấn của Đảng đến giao nhiệm vụ chuẩn bị bài viết quan trọng này. Bác nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu: ngắn gọn, tập trung vào chủ đề : “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Và đó cũng là tên của bài báo. Bác cùng Văn phòng đọc lại từng ý kiến đóng góp của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, bổ sung vào bản thảo, rồi cho đưa đi đánh máy. Bác dặn đánh máy xong gửi lại cho Bác một bản. Đồng chí Phụ trách Tuyên huấn đề nghị với Bác xin sửa lại đầu đề: Đưa vế “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, chuyển vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra phía sau với lý do là cán bộ đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản.
Bác quay sang hỏi ý kiến đồng chí Văn phòng:
- Ý kiến chú thế nào?
Đồng chí cán bộ Văn phòng nhất trí với ý kiến đồng chí Phụ trách Tuyên huấn.
Bác im lặng suy nghĩ, cuối cùng Bác nói:
- Ý kiến của các chú Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác còn phân vân điều này: Gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, giường tủ vào. Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ đổi lại tên đầu bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Ý tứ ấy của Bác, cho mãi đến hôm nay càng thấy vô cùng sâu sắc.
Năm tháng trôi qua, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân luôn soi sáng, dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhận những đóng góp to lớn, vai trò quan trọng của Người đối với sự ra đời và phát triển của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại nhưng giản dị, dân chủ, gần dân mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, công chức noi theo./.