Hiện thực hóa khát vọng

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng cụ thể hóa thành những hành động quyết liệt, sáng tạo nhằm xây dựng hạ tầng ngày càng đồng bộ, nông thôn mới văn minh, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Tự lực tự cường xây dựng hạ tầng

Là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn song Tuyên Quang đã biết huy động và tranh thủ tối đa mọi nguồn vốn cũng như sức dân để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, xây dựng hạ tầng đô thị... Nhờ đó hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư phát triển nhanh, nhiều công trình lớn, hiện đại được triển khai thực hiện trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2022  -  2025.

Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được triển khai xây dựng cùng nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các trục đường kết nối, đường huyện đã được đầu tư xây dựng, được nhân dân đồng thuận hưởng ứng cao. Trong đó, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai mặc dù khối lượng phải giải phóng mặt bằng tương đối lớn nhưng với chủ trương hợp lòng dân, lấy lợi ích phát triển chung để thực hiện đã được đông đảo nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng để Nhà nước thi công.


Nhà văn hóa thôn Ninh Tuyên, xã Thái Hòa (Hàm Yên) do nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh triển khai các công trình lớn, trọng điểm, Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh đã khơi dậy tinh thần tự lực tự cường của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là ở cơ sở. Tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 9 - 2022, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa gần 3 nghìn km đường giao thông, đạt trên 73% đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa. 

Nông thôn mới phồn vinh, hạnh phúc

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy tinh thần tự lực tự cường đã kết thành động lực to lớn để các địa phương trong tỉnh đưa vào thực tiễn sinh động xây dựng nông thôn mới phồn vinh, hạnh phúc. Nhiều nơi đã phát huy sức sáng tạo, dám nghĩ, dàm làm, khơi thông nguồn lực và sức mạnh trong cán bộ, đảng viên, nhân dân để xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.  Đến nay, toàn tỉnh đã có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.


Đường bê tông vào khu vực sản xuất do nhân dân thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh (Sơn Dương) hiến đất để hoàn thành.

Xã Yên Phú (Hàm Yên) từ chỗ chỉ đạt 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay Yên Phú đã đạt 14 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.  Điển hình như việc giúp đỡ xóa 56 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo; xây dựng mới 3 nhà văn hóa thôn, nâng cấp 5 nhà văn hóa và mua sắm thiết bị của 23 nhà văn hóa thôn; vận động trên 90% số hộ gia đình thực hiện 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Ở nhiều địa phương khác, phát huy tinh thần tự lực, tự cường theo tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi đóng góp sức người sức của xây dựng nông thôn mới.

Nền hành chính hiệu lực, hiệu quả

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định trong năm 2022, học tập và làm theo Bác cần phải đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Các cơ quan, đơn vị đặc biệt chú trọng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tiếp công dân, chấn chỉnh lề lối, tác phong, thái độ phục vụ nhân dân trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính.


Người dân đăng ký dịch vụ gửi kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện thành phố Tuyên Quang.

Năm 2022, tỉnh đã sắp xếp, bố trí trụ sở và trang cấp thiết bị đủ cho 145 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo hướng hiện đại, đổi mới, kiện toàn lại 914 công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo đúng vị trí việc làm và trình độ chuyên môn theo yêu cầu. Tỉnh đã từng bước số hóa hồ sơ, tái sử dụng số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và cấp huyện, cấp xã.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính ngày càng hoàn thiện. Từ cuối tháng 5-2022, hệ thống đã cung cấp 1.870 dịch vụ công mức độ 2, 3, 4. Hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua hệ thống dịch vụ công ngày càng tăng. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên thông qua việc cắt giảm thời gian giải quyết, đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính; công khai, minh bạch thủ tục hành chính. Do đó, kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAINDEX) của tỉnh, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Chỉ số SIPAS) đều tăng qua các năm.

Tự lực tự cường là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nay học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống ấy đã được hiện thực trong thực tế một cách đầy sinh động, trở thành những việc làm ý nghĩa, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Thuỷ Châu

Tin cùng chuyên mục