Xây dựng chính quyền vì dân

Xây dựng chính quyền gần dân, vì dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước là một trong những đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu đổi mới, phát triển hiện nay. Bắt đầu từ cơ sở, việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét từ việc ban hành những nghị quyết, đề án có tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân; lắng nghe, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của người dân và tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân, sát dân.

Những quyết sách vì dân

Tuyến đường cuối cùng vào vùng sản xuất hàng hóa của người dân thôn Quang Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) vừa được hoàn thành. Sau nhiều năm chờ đợi, 850 mét đường vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung của cả thôn đã được hoàn thành trong niềm vui của tất cả các hộ dân trong thôn. Đây là một trong những tuyến đường dài nhất của xã Chiêu Yên được hoàn thành trong năm nay.

Cả một vùng sản xuất hơn 50 ha bao gồm rừng, cây ăn quả, cây ngắn ngày giờ đang trông một mùa bội thu.

Có những hộ gia đình tính theo diện tích, đầu người, phải đóng góp hơn 60 triệu đồng. Nhưng không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại như nhiều năm trước, việc đóng góp được hoàn thành trước cả khi khởi công tuyến đường. Bà Đinh Thị Hà - hộ dân đóng góp hơn 60 triệu đồng tính theo diện tích, giá trị sử dụng không so đo gì. Bà bảo, so với việc phải lội bùn, tăng bo chở vật tư phân bón hay nông sản, thì số tiền này hoàn toàn xứng đáng. Sau gia đình bà Hà, hộ ông Đinh Văn Điện cũng là một trong những hộ đóng góp số tiền 52 triệu đồng để hoàn thành tuyến đường.


Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại thôn Đồng Nội, xã Đồng Quý (Sơn Dương). Ảnh: Việt Hòa.

Trưởng thôn Lê Thanh Nghị cho biết, con đường này thực sự là con đường của ý Đảng lòng Dân. Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh Thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 với người dân Quang Sơn thực sự là Nghị quyết đi vào lòng người.

Nghị quyết 55 chỉ là một trong nhiều Nghị quyết mà HĐND tỉnh ban hành trong nhiệm kỳ này đi vào cuộc sống và thực sự trở thành cú huých đáng kể cho người nông dân. 

Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, riêng trong năm nay, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua 53 nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình đảm bảo giải quyết kịp thời các công việc cấp thiết thuộc thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.  Trong đó nhiều nghị quyết có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội như Nghị quyết số 25/NQ-HĐND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...

Lắng nghe để kịp thời giải quyết

Lắng nghe, kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân đang được HĐND, UBND tỉnh tập trung thực hiện.

Trong năm 2022, HĐND tỉnh đã hoàn thành 1 cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XVIII. Kết quả giám sát được báo cáo tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XIX. Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu, chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền. Đã có 131/131 kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết, trả lời, trong đó, trước kỳ họp thứ ba 91 kiến nghị; sau kỳ họp thứ ba 40 kiến nghị.


Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát triển khai tín dụng chính sách tại Agribank Tuyên Quang.

Một số sở, ngành chuyên môn chủ động, trách nhiệm trong giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, trực tiếp đến nơi cử tri có kiến nghị để xác minh, làm rõ; phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết kịp thời. Tỷ lệ kiến nghị được giải quyết xong tăng 1,5% so với kỳ trước. Kết quả giải quyết kiến nghị cơ bản đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2022, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì tiếp 2 lượt công dân tại trụ sở làm việc của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh về các kiến nghị của công dân liên quan đến đất đai, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo kết luận, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giải quyết vụ việc theo quy định. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tiếp công dân định kỳ tháng 10 tại nơi ứng cử (huyện Yên Sơn).

HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh đã tiếp 23 lượt công dân. Tại các cuộc tiếp công dân, lãnh đạo tỉnh đã trả lời trực tiếp kiến nghị của công dân và thống nhất chuyển các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời công dân theo quy định; Tiếp nhận 121 đơn theo quy định; nhận báo cáo giải quyết xong 41 vụ việc; đang giải quyết 11 vụ việc, còn lại 39 vụ việc chưa đến hạn báo cáo. Thường trực HĐND tỉnh tăng cường đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị của công dân thông qua cho ý kiến trực tiếp tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh về báo cáo tổng hợp tiến độ, kết quả giải quyết đơn của công dân gửi đến HĐND tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải quyết đơn của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng theo đúng quy định của pháp luật.

Như tại buổi tiếp công dân tháng 8-2022 của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, sau khi nghe ông Lê Tiến Dũng, thôn 9 xã Trung Môn (Yên Sơn) có ý kiến kiến nghị xem xét lại việc thu hồi đất của gia đình ông và 14 hộ gia đình khác trong thôn để mở rộng khu cát táng Nghĩa trang Km 8, xã Trung Môn. Sau khi nghe báo cáo giải quyết vụ việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn rà soát lại toàn bộ dự án nếu còn nhu cầu, báo cáo UBND tỉnh để bố trí vốn, không để dự án treo; giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Yên Sơn để hướng dẫn các thủ tục thực hiện. Ông Lê Tiến Dũng đã bày tỏ sự phấn khởi và cho rằng kết luận giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh đã thỏa mãn kiến nghị của ông.

Nhờ làm tốt công tác tiếp công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, Tuyên Quang đã hạn chế được các vấn đề bức xúc, phức tạp, khiếu nại tố cáo phát sinh, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Củng cố niềm tin, tăng sự đoàn kết

Từ ngày 16-7, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị tổ chức làm việc vào ngày thứ Bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Việc giải quyết thủ tục hành chính vào ngày thứ Bảy được nhiều người dân ủng hộ và được xem là bước tiến mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính  của tỉnh.

Đồng chí Mai Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, không chỉ khi Quyết định 19 có hiệu lực, để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tổ chức làm việc vào thứ Bảy hàng tuần kể từ ngày 27/11/2021, tức 1 tháng sau khi thành lập. Những thủ tục hành chính được thực hiện vào ngày thứ Bảy gồm 126 thủ tục thuộc các lĩnh vực như: đất đai; đăng ký giao dịch bảo đảm; thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; chính sách người có công; công chứng; lý lịch tư pháp; giáo dục trung học... Việc tổ chức làm việc vào ngày thứ Bảy hàng tuần đã được Trung tâm thực hiện và được cán bộ, công chức của Trung tâm làm việc đi vào nền nếp. Qua đó, các tổ chức, cá nhân có thể đến làm thủ tục hành chính vào ngày nghỉ và dành những ngày làm việc trong tuần để làm công việc nghiệp vụ, chuyên môn của mình. Làm việc ngày thứ Bảy giúp giảm áp lực công việc trong giờ hành chính cho cán bộ, công chức tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ ở một số lĩnh vực có nhiều hồ sơ phát sinh như: lý lịch tư pháp, đăng ký kinh doanh, đất đai.


Tuyến đường vào vùng sản xuất hàng hóa thôn Quang Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) vừa được hoàn thành.

Không chỉ tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng chính quyền số đang được Tuyên Quang hướng tới. Đến thời điểm hiện tại, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 582 dịch vụ công. Có 1.784/1.870 thủ tục hành chính đang thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Tỉnh đã hoàn thành kết nối Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh với hệ thống thu thập, đánh giá mức độ truy cập sử dụng Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương (Hệ thống EMC) để phục vụ việc giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số của tỉnh.

Sự minh bạch, công khai trong việc thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương đã góp phần cải thiện thứ hạng nhiều chỉ số quan trọng của tỉnh. Như Chỉ số cải cách hành chính năm 2021, Tuyên Quang đạt 86,57%, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,76%, tăng 1 bậc so với năm 2020; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2021, Tuyên Quang thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố có Chỉ số trung bình cao, với 43,402 điểm xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp, Tuyên Quang vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI với vị trí 29/63 tỉnh, thành phố...

Tuyên Quang đang nỗ lực trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy, việc xây dựng “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng sự gắn kết, gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với Nhân dân và giữa Nhân dân với chính quyền, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động công vụ trên địa bàn.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục