Xây dựng chính quyền vì Dân

Năm 2023 đã qua, chúng ta lại chào đón một mùa Xuân mới với hành trang mới không chỉ là những con số đã đạt được mà sâu sắc hơn cả chính là niềm tin, sự kỳ vọng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ công chức từ tỉnh đến cơ sở.

Đối thoại, giải quyết kịp thời bức xúc của Nhân dân

Trong năm 2023, tỉnh đã chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại với Nhân dân, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bức xúc của Nhân dân. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị đều phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền được kiểm tra toàn diện, xem xét, cân nhắc đầy đủ mọi khía cạnh pháp lý và thực tế; chia sẻ, đặt mình vào vị trí người dân để có biện pháp giải quyết vừa đúng quy định pháp luật, vừa sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.


Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp chuyên đề lần thứ sáu HĐND tỉnh khóa XIX.

Trong năm, cơ quan hành chính nhà nước các cấp tỉnh đã tiếp 2.904 lượt với 2.964 công dân, 2.628 vụ việc. Số lượt tiếp công dân tăng 1,14 lần so với năm 2022; tỷ lệ lãnh đạo tiếp công dân tăng 1,3 lần, trong đó thủ trưởng đơn vị trực tiếp tiếp công dân tăng 1,48 lần.

Toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc rà soát đưa vào kế hoạch để tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Nhờ đó công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng đơn thư tiếp nhận giảm 1,31 lần so với năm 2022, riêng số đơn khiếu nại, tố cáo tiếp nhận giảm 2,23; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 1,41 lần; tỷ lệ giải quyết tăng 1,01 lần; tỷ lệ giải quyết qua vận động công dân rút đơn tăng 1,05 lần. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về chuyển đổi số, cải cách TTHC trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó chú trọng các hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên môi trường điện tử. Qua đó, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giảm thiểu tình trạng công dân tập trung đông người, phức tạp tại Trụ sở tiếp công dân, giảm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Các TTHC về lĩnh vực ngành Thanh tra cũng được chỉ đạo rà soát để tổ chức thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến. Các hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo được công khai kịp thời, đúng tiến độ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đảm bảo việc công khai, minh bạch.

Kết quả đó góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tạo tiền đề vững chắc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lấy người dân là trung tâm phục vụ

Năm qua, với nhiều giải pháp cụ thể, tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng, tạo diện mạo mới đột phá, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định. Tuyên Quang là một trong những tỉnh đi đầu trong việc công bố Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện (DCI) bài bản và chuyên nghiệp. Chất lượng công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và cấp huyện tiếp tục được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân chung vui cùng Nhân dân khu dân cư thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Tuyên Quang đạt 81,72% (xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 03 bậc so với năm 2020); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cấp tỉnh đạt 81,72% (xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc so với năm 2020). Đây chính là sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do Nhân dân, vì Nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Đến trụ sở các cơ quan hành chính cấp xã ở hầu hết các địa phương, người dân đều cảm nhận được môi trường công sở thân thiện gần gũi, không có sự ngăn cách giữa cán bộ, công chức với Nhân dân.

Quan điểm đi đến cùng, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được lãnh đạo tỉnh thực hiện một cách triệt để, tích cực. Công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều đổi mới, hiệu quả và thích ứng nhanh, linh hoạt. Tỉnh thành lập các tổ công tác đặc biệt để nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục, hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. 

Ông Hoàng Văn Bình, tổ 11, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Với góc độ người dân và doanh nghiệp tôi nhận thấy những đổi mới hoạt động của chính quyền các cấp luôn hướng về người dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, vì dân, chăm lo cho dân. 

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là thước đo năng lực, hiệu quả của công tác điều hành đối với chính quyền các cấp. Những tín hiệu tích cực thời gian qua đã tạo thêm niềm tin mới vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền trong công cuộc đổi mới. Mong rằng năm mới 2024, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào thực tế cuộc sống, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục