Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, sáng ngày 11/3/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang dự và chỉ đạo hội nghị.
Video không hợp lệ

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo và cán bộ chuyên môn thuộc các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương; các cơ quan báo chí, truyền hình trung ương và địa phương.


Các đại biểu dự hội nghị.

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Đây là một trong những đạo luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Sau gần 10 năm tổ chức thi hành, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trên địa bàn tỉnh, công tác tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực. Tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo phân cấp của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; hoàn thành lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hằng năm theo quy định. Toàn tỉnh đã thu hồi trên 1.260 ha đất của các tổ chức, hộ gia đình cá nhân để thực hiện 486 công trình, dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội với nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được triển khai thực hiện như: Đường dẫn và cầu Bình Ca, cầu Tình Húc, Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường Hồ Chí Minh, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, công trình thủy điện Chiêm Hóa… Đã cấp được 6.128 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, đạt 99,8% diện tích cần cấp và 535.297 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, đạt 91% diện tích đất cần cấp; thường xuyên rà soát, thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai; giải quyết được trên 2.500 đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Tổ chức 104 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định. Kết quả thực hiện các khoản thu từ đất đai đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh trên 3.500 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thi hành chính sách, pháp luật về đất đai năm 2013 vẫn còn có những tồn tại, khó khăn vướng mắc: Một số quy định còn chồng chéo, không thống nhất giữa Luật Đất đai với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, đấu giá tài sản, quản lý, sử dụng tài sản công, lâm nghiệp, khoáng sản… trong điều kiện, hình thức giao đất, cho thuê đất, quyết định chủ trương đầu tư; đấu giá, đấu thầu dự án; chuyển nhượng dự án, bán tài sản gắn liền với đất; xử lý tài sản công; thống kê, kiểm kê đất đai và rừng; quyền tiếp cận đất đai của tổ chức trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản... Quy định về điều tra cơ bản, đánh giá đất đai hiện hành chưa được đầy đủ, chưa cụ thể để triển khai thực hiện. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa cao. Việc thực hiện thoả thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập; việc giao đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện còn hạn chế, còn lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa được kịp thời tháo gỡ; một số công trình, dự án thực hiện còn chậm, chưa đúng với quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi. Chính sách tài chính về đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; các phương pháp định giá đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế; giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường…


Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Để đảm bảo nội dung trọng tâm lấy ý kiến theo định hướng của Chính phủ, đồng chí đề nghị các đại biểu dự hội nghị tập trung tham gia ý kiến về 10 vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, cụ thể: (1) Về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 123): Giữ nguyên so với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013. (2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất (Điều 5 và Điều 235): Tập trung cho ý kiến đối với quy định về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất theo dự thảo Luật, đặc biệt là quy định bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất. (3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (khoản 1, khoản 3 Điều 64; khoản 1, khoản 5 Điều 65; Điều 68, Điều 70, Điều 71,  Điều 73 và Điều 74): Tập trung vào quy định về căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo dự thảo Luật. (4) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 17; khoản 3 Điều 175): Về sự phù hợp và đầy đủ trong chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. (5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78): Tập trung vào các trường hợp thu hồi đất; tiêu chí, điều kiện để làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng. (6) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất (Điều 85 và Điều 89): Lưu ý đến tính khả thi đối với các quy định mới khi Nhà nước thu hồi đất nêu trên trong dự thảo Luật. (7) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất (Điều 128): Cho ý kiến về quy định nêu trên đã đầy đủ và đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư và người dân và tính khả thi khi thực hiện. (8) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm (Điều 36 và Điều 50): Đề nghị các đại biểu cho ý kiến về quy định mới trên nêu trên để đảm bảo chặt chẽ khi ban hành. (9) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể (Điều 153, Điều 154 và Điều 155): Tập trung vào nguyên tắc xác định giá đất. (10) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 225): Dự thảo Luật quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân giải quyết. Tuy nhiên, đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền của người dân, bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng.


Đại biểu phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Tại hội nghị đã có 12 đại biểu đại diện lãnh đạo sở, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố phát biểu ý kiến tham gia. Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo luật và thực tiễn đời sống, các đại biểu đã tập trung vào 10 nội dung trọng tâm và những quy định mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể:
 Đại biểu Nguyễn Thị Thược, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp tham gia ý kiến đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm; Điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đối với lĩnh vực đầu tư, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia góp ý đối với quy định sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất tại Điều 128 dự thảo Luật. Theo đó, đề nghị bổ sung chính sách cưỡng chế đối với các dự án thuộc trường hợp thỏa thuận về quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế khó khăn, đảm bảo tiến độ trong quá trình thực hiện dự án; xem xét bổ sung quy định cụ thể đối với diện tích Nhà nước quản lý không đủ điều kiện để thành lập dự án độc lập giao đất không phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không phải đấu thầu dự án có sử dụng đất; đảm bảo thống nhất trong thực hiện luật đất đai và các luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính đã góp ý vào điểm c khoản 1 Điều 155 về xác định giá đất cụ thể; đề nghị không giao Giám đốc Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định theo khoản 2 Điều 156...

Sở Xây dựng tham gia vào một số điều khoản cụ thể liên quan đến lĩnh vực của ngành đối với điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở quy định tại Điều 33; bổ sung nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất đối với khu vực đô thị phải tuân thủ theo Quy hoạch đô thị tại Điều 60 để phù hợp với Điều 5 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy định cụ thể về cơ sở, phương pháp để xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phương thức phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, phương pháp khoanh định, khoanh vùng, bố trí không gian sử dụng đất, cách thể hiện các loại đất trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất tại Điều 63, Điều 64, Điều 65…
Từ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành nhiệm vụ, đồng chí Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Văn Chương đề nghị giữ nguyên quy định về “Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai” tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.


Đại biểu dự hội nghị.

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh đã đóng góp các ý kiến để đảm bảo dự thảo Luật thông qua phù hợp với đặc điểm của tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Xem xét bổ sung đất rừng cộng đồng vào danh mục chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo; điều chỉnh hạn mức giao đất nông nghiệp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp quyền sở hữu nhà ở, bổ sung quy định sở hữu sản phẩm trên đất rừng; trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng của cộng đồng dân cư… đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, hướng tới phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị làm rõ thêm khái niệm về đất thương mại dịch vụ và đất năng lượng; bổ sung, sửa đổi một số nội dung tại: điểm a khoản 3 Điều 28; Điều 51; điểm b, điểm d khoản 2 Điều 64; khoản 3 Điều 71... nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất, hiệu quả, phát huy được tiềm năng kinh tế của địa phương.

Đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cũng thảo luận và đề xuất một số vướng mắc trong dự thảo liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; cải cách thủ tục hành chính; xác định rõ về diện tích và loại đất; quy định về thông báo thu hồi đất; đề nghị đưa ra khỏi dự thảo Luật nội dung quy định về thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại khoản 3 Điều 150 để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất; giữ nguyên quy định về “Cho thuê đất” tại điểm d khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai 2013; bổ sung đối tượng là “người sống cùng với người có đất bị thu hồi có quyền yêu cầu bồi thường khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật” tại khoản 1 Điều 29; xác định giá đất tại bảng giá đất, giá theo thị trường; các trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế; xem xét các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để nhà đầu tư được hưởng ưu đãi trong các dự án thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, đất dành cho tổ chức xã hội, nghề nghiệp…


Quang cảnh hội nghị.

Sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành nội dung, yêu cầu đề ra. Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một nội dung hết sức quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Phát huy nguồn lực đất đai, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai. Đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị- xã hội của tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 15/3/2023.

Đối với các ý kiến chưa được phát biểu tại hội nghị, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia bằng văn bản, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thành trước ngày 16/3/2023.

Ngọc Trâm
Ảnh: Việt Hoà - Đức Thái
Video: baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục