Toàn cảnh phiên họp.
Kinh tế phát triển khá nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển, đạt được tốc độ tăng trưởng khá (GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 7,55% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ).
Các ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục phát triển, kết quả đạt được cao hơn cùng kỳ năm 2022; sản xuất nông nghiệp ổn định, duy trì theo đúng khung thời vụ, đảm bảo an ninh lương thực; công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai kịp thời; giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ; các hoạt động thúc đẩy du lịch diễn ra sôi nổi với quy mô lớn, nội dung phong phú, có nhiều đổi mới.
Tỉnh đã tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng của tỉnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.855,2 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ; cải cách hành chính được triển khai thực hiện quyết liệt; các hoạt động về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm và thúc đẩy.
Tỉnh đã triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; người có công với cách mạng...
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được kinh tế của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, khó khăn trong những tháng cuối năm cần phải khắc phục giải quyết. Trong đó, về sản xuất kinh doanh một số nhóm hàng chủ lực của tỉnh đạt thấp so với kế hoạch đề ra; các hộ kinh doanh dịch vụ chưa đáp ứng đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều mô hình, sản phẩm nông nghiệp nổi bật; số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhưng tính cạnh tranh chưa cao trên thị trường; việc phát triển vùng nguyên liệu mới, hiệu quả cao còn ít; tiến độ xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương còn chậm, chưa có nhiều sáng kiến, cách làm mới,…
Đặc biệt tiến độ thực hiện của các dự án ngoài ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Việc thu hút đầu tư các dự án trong khu, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo định mức còn thấp và chưa được hỗ trợ nhiều từ ngân sách của Trung ương.
Các đại biểu dự phiên họp.
Qua thực tế việc đón khách du lịch trong dịp lễ hội vừa qua bộc lộ nhiều điểm yếu hạ tầng du lịch: cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú..., dẫn đến chưa đáp ứng được đa dạng phân khúc thị trường khách du lịch.
Tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn vào đầu tư du lịch; lao động dịch vụ du lịch có trình độ nghiệp vụ ngoại ngữ còn thiếu, chất lượng chưa cao; hầu hết việc xây dựng Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch của các huyện, thành phố mới đang trong quá trình triển khai, chưa tạo thành sản phẩm du lịch để phục vụ du khách.
Phải quyết tâm, nỗ lực lớn mới hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023
Các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận phân tích, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn thực hiện nhiệm vụ các tháng cuối năm.
Lãnh đạo các ngành Thuế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo... cam kết trước UBND tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố cũng đã tập trung thảo luận các giải pháp khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Các đại biểu cũng đã cam kết quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan phấn đấu đạt mức giải ngân cao nhất có thể.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu kết luận về nội dung phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu tư công còn chậm, thu ngân sách chưa đạt được tiến độ, các doanh nghiệp hiện tại đang gặp nhiều khó khăn cần phải có giải pháp hỗ trợ...
Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên nhân cơ bản là trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa cao, chưa thể hiện sự quyết tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Cùng với đó, khả năng phối hợp giữa các ngành, địa phương còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt nghiêm quy chế làm việc, rà soát lại tất cả chương trình công tác của năm để xem xét tiến độ, nội dung, yêu cầu, từ đó khắc phục hạn chế yếu kém. Lưu ý cần phải khắc phục các nguyên nhân đã được chỉ ra đó là trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp công tác.
Lãnh đạo các sở, ngành dự phiên họp.
Các cơ quan, đơn vị cần phải khắc phục ngay tình trạng né tránh trách nhiệm, ngại khó không dám tham mưu đề xuất. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới cán bộ công chức phải làm việc bằng 3 lần, thể hiện sự khăng khít, phối hợp bằng 3 lần. Tất cả các chủ đầu tư từ nay đến ngày 28 đều có con số giải ngân, phấn đấu bằng mức giải ngân bình quân chung của cả nước.
Các địa phương phải tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng; Chương trình mục tiếu quốc gia vướng đâu phải có giải pháp tháo gỡ ngay; việc xây dựng nhà ở cho người nghèo phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Đối với lĩnh vực giáo dục, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng lạm thu đầu năm học. Trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị tập trung cao cho diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề, nếu chúng ta không thể hiện tinh thần quyết tâm ngay thì không thể hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Lãnh đạo các sở, ngành dự phiên họp.
Phiên họp cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung quan trọng khác của tỉnh trong đó có: Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025; Quyết định ban hành Quy định những tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm Lô TMDV thuộc Dự án Khu nhà ở Hưng Thành tại phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang; Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023-2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2030...