Tuyên Quang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng

Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng có ý nghĩa hết sức quan trọng, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đảm bảo theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.

Cầu Tình Húc vượt sông Lô, thành phố Tuyên Quang khánh thành ngày 02/10/2020. Ảnh Việt Hòa

Về phát triển hạ tầng giao thông: Thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” với cơ chế, chính sách phù hợp, đến hết tháng 9 năm 2020 đã làm được 457,13 km đường bê tông giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; sửa chữa, cải tạo 1774,4 km đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng 73 cầu dân sinh trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hoàn thành công trình đường dẫn cầu và cầu Bình Ca thuộc đường Hồ Chí Minh; xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị, các tuyến đường liên xã…

Về hạ tầng cung cấp điện: Hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035. Chỉ đạo đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2021 các nhà máy thủy điện: Nhà máy thủy điện Yên Sơn công suất 90MW; nhà máy thủy điện Sông Lô 8A, công suất 27MW. Chú trọng thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013-2020…

Về hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu: Từ năm 2016 đến nay đã đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới 248 công trình thủy lợi (trong đó đầu tư xây dựng mới 16 công trình); kiên cố hóa 1.068,45 km kênh mương nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa trên địa bàn toàn tỉnh 2,871,8 km. Chú trọng huy động các nguồn lực thực hiện các dự án đê, kè bảo vệ bờ sông, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống dân cư. Quản lý, khai thác 372 công trình nước sạch nông thôn cấp nước tập trung, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh năm 2019 đạt 90,5%.

Về hạ tầng đô thị: Tập trung thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; hoàn thành điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Tuyên Quang; thành lập các phường Đội Cấn, Mỹ Lâm, An Tường thuộc thành phố Tuyên Quang; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II; thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị Đông Sơn, An Phú, Thịnh Hưng, Việt Mỹ …thành phố Tuyên Quang. Quan tâm, huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng trung tâm huyện Yên Sơn, huyện Lâm Bình đạt đô thị loại V. Thu hút các nguồn vốn để triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng trên địa bàn các huyện, thành phố.


Toàn cảnh thành phố Tuyên Quang. Ảnh Quốc Việt.

Về phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Long Bình An và các cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng đường giao thông nội bộ khu công nghiệp, hệ thống thoát nước mặt, nước mưa, hệ thống điện sinh hoạt và điện sản xuất, hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Thực hiện đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống kênh thoát nước và xử lý nước thải chung của cụm công nghiệp Khuôn Phươn, huyện Na Hang; san nền, hệ thống thoát nước, đường giao thông, hệ thống cấp điện cụm công nghiệp An Thịnh, huyện Chiêm Hóa; đầu tư hạng mục đường giao thông vào cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Hàm Yên…

Phát triển hạ tầng thương mại: Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ và quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu. Triển khai, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị. Hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố Vincom Shop house, Khách sạn Mường Thanh, siêu thị Tuyên Quang…quan tâm phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng bán buôn, bán lẻ, duy trì ổn định các điểm bán hàng thiết yếu, hỗ trợ lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ: Thực hiện sắp xếp trường, lớp học một cách hợp lý, hiệu quả tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm, rà soát, xác định mô hình trường lớp học để từng bước đầu tư xây dựng trường, lớp các cấp học đạt chuẩn quốc gia; đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa nhà bán trú, nhà ăn, nhà bếp cho 34 trường trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở; xây dựng 05 nhà hiệu bộ cho các trường trung học phổ thông, các phòng học bộ môn, thư viện. Tập trung thực hiện Quy hoạch phát triển khoa học công nghệ tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020; chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Phát triển hạ tầng y tế: Triển khai đề án xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực hoạt động Trạm y tế xã; Đề án mở rộng và nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện y dược cổ truyền; các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực huyện. Thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2011-2020, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng quy mô, hiện đại; công suất sử dụng giường bệnh các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện trung bình hàng năm đạt trên 100%; tổng số lượt khám chữa bệnh hàng năm trên 1,6 lượt triệu người, trung bình đạt trên 2,0 lượt/người/năm. Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa y tế, hoàn thành và đi vào hoạt động 01 bệnh viện đa khoa ngoài công lập với quy mô 250 giường bệnh, 12 phòng khám đa khoa, 133 phòng khám chuyên khoa tư nhân…

Phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch: Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, phục hồi, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đạt được kết quả quan trọng. Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; phục dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa; tu bổ chống xuống cấp di tích đình Hồng Thái, đình Tân Trào (xã Tân Trào), đình Thanh La (xã Minh Thanh) huyện Sơn Dương…Huy động các nguồn lực xây dựng 545 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thuộc Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên; đến nay toàn tỉnh hiện có 127/138 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.640/1.739 nhà văn hóa thôn,tổ dân phố đạt 94,3% (trong đó có 1.139 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định).

Từ kết quả huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị và nông thôn được cải thiện góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục