Người dân xã Trung Sơn (Yên Sơn) ươm cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn. |
Để kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững, Sở NN&PTNT Tuyên Quang đã xây dựng và tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035. Theo đó, xác định phát triển lâm nghiệp bền vững phải bám sát các chủ trương, quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với mục tiêu chung là: Nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và nhân dân về phát triển lâm nghiệp bền vững nói chung; bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng sản xuất nói riêng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát huy hợp lý, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển du lịch; nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ rừng; phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 9%/năm; trồng rừng tập trung: 48.500 ha, bình quân trồng trên 9.700 ha/năm; phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha; năng suất rừng trồng đạt bình quân 22 m³/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 5.500.000 m³; bình quân khai thác trên 1.100.000 m³/năm. Phát triển cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000 ha, bình quân trồng trên 400 ha/năm. Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo quy định trên 90.000 ha rừng sản xuất. Giá trị thu được từ gỗ nguyên liệu rừng trồng sản xuất 01 ha/chu kỳ, đến năm 2025: Đối với rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 07 năm) đạt trên 160 triệu đồng. Đối với rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 310 triệu đồng. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%. Đến năm 2025: Có ít nhất 01 sản phẩm đồ gỗ được công nhận "Thương hiệu quốc gia Việt Nam"; hoàn thành xây dựng ít nhất 05 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng; khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình lâm nghiệp tổng hợp phát huy hiệu quả kinh tế. Hoàn thành kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh trước năm 2025. Đến năm 2025, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.
Giai đoạn 2026 - 2030: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 11%/năm. Trồng rừng tập trung: 48.500 ha, bình quân trồng 9.700 ha/năm. Duy trì diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha. Năng suất gỗ rừng trồng đạt bình quân 28 m³/ha/năm. Sản lượng gỗ khai thác đạt 6.500.000 m³ , bình quân khai thác trên 1.300.000 m³/năm. Duy trì và phát triển trên 3.500 ha cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Mở rộng, duy trì diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 100.000 ha rừng sản xuất. Giá trị thu được từ gỗ nguyên liệu rừng trồng sản xuất 01 ha/chu kỳ, đến năm 2030: Đối với rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 7 năm) đạt trên 190 triệu đồng. Đối với rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 350 triệu đồng. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%. Xây dựng mới 05 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng tạo sản phẩm ấn tượng thúc đẩy phát triển du lịch, khuyến khích phát triển các mô hình lâm nghiệp tổng hợp phát huy hiệu quả kinh tế. Duy trì, phát triển và giữ vững vị trí là tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái...
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững đoạn 2021- 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, cụ thể:
Công tác thông tin, tuyên truyền: Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến với phương thức, nội dung phù hợp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển lâm nghiệp bền vững, trọng tâm là Luật Lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Củng cố, tổ chức nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp: Sắp xếp tổ chức lại bộ máy Kiểm lâm, hệ thống các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh: Hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất bằng các loài cây: Keo lai được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, cây keo tai tượng được gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại, cây Dổi ăn hạt, cây Sấu, cây Trám trắng,…; hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị; xem xét hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất...
Huy động các nguồn lực: Hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án “Phục hồi và quản lý rừng bền vững tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam (KfW9 giai đoạn 2)”, sử dụng nguồn vốn từ Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức thông qua ngân hàng tái thiết Đức (KfW) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án “Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM2)” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản viện trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA),...Huy động lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ một phần cây giống trồng rừng sản xuất; chú trọng đẩy mạnh các hình thức liên doanh liên kết để đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật thâm canh, vật tư phân bón...
Áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ: Thực hiện tuyển chọn giống năng suất, chất lượng cao, đồng thời quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị kỹ thuật để phát huy năng lực làm chủ công nghệ nuôi cấy mô; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để trồng rừng, đưa giống Keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô vào trồng rừng đại trà rừng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Có chính sách thu hút, nhận chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế, để mở rộng trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, bền vững...
Thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng: Tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, xâm canh đất rừng trái pháp luật và các tồn đọng trong giao đất, giao rừng; chỉ đạo xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng, mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.
Tổ chức sản xuất kinh doanh: Phát triển các doanh nghiệp lớn đủ khả năng đầu tư theo chuỗi khép kín vào ngành lâm nghiệp và hỗ trợ, dẫn dắt người dân sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng thôn bản và hợp tác xã; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển nông lâm kết hợp; ưu tiên hộ nghèo, dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động lâm nghiệp để tăng thu nhập. Đối với các Hợp tác xã: Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã lâm nghiệp hoạt động thực chất,hiệu quả, theo nhu cầu thiết thực của các thành viên để tạo mạng lưới liên kết, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, tạo vùng nguyên liệu tập trung; phấn đấu 80% các xã có diện tích rừng trồng từ 1.000 ha trở lên có các tổ hợp tác, hợp tác xã về lĩnh vực lâm nghiệp. Đối với các hộ gia đình, cá nhân: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua lựa chọn loài cây trồng theo định hướng hình thành vùng nguyên liệu tập trung, sử dụng giống chất lượng tốt, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rừng, áp dụng các biện pháp quản lý rừng bền vững theo quy định.
Chế biến gỗ phát triển thị trường lâm sản: Phát triển công nghiệp chế biến gỗ thông qua việc xây dựng và hỗ trợ xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản; áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ có công nghệ cao tại các Khu, cụm công nghiệp của tỉnh; đồng thời hình thành các làng nghề sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu; quản lý chất lượng hàng hóa, vệ sinh, an toàn thực phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm lâm sản của tỉnh.