Triển khai giao việc đột phá, đổi mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ quản lý

Ngày 29-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị triển khai giao việc đột phá, đổi mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ quản lý năm 2021.

Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố.


Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Ảnh: Thành Công

Thực hiện Quy định số 30-QĐ/TU ngày 20/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (Quy định 30) đã được các cán bộ diện được giao việc đột phá, đổi mới chủ động đăng ký việc. Sau khi xem xét việc đăng ký của cán bộ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến, điều chỉnh, bổ sung giao việc cho cán bộ đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Năm 2020, toàn tỉnh có 22 đồng chí được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao 52 việc đột phá, đổi mới; năm 2021 có 64 đồng chí được giao 221 việc. Các công việc được giao tập trung vào những việc lớn, việc khó, việc tồn tại, cấp bách tại địa phương, những điểm nghẽn để tạo sự bút phá, thúc đẩy sự phát triển… Cách thức giao việc đột phá, đổi mới cho từng cá nhân chủ trì, trực tiếp phụ trách, thực hiện cấp trên có đầu mối cụ thể để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và cán bộ.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, các đồng chí được giao việc đã  tích cực, quyết liệt và có quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện việc được giao. Nhiều đồng chí đã có cách làm sáng tạo, giải quyết vấn đề phù hợp với thực tiễn và đã đạt được kết quả bước đầu với những sản phẩm cụ thể: chấm dứt hoạt động và tháo dỡ toàn bộ 98 lò sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện Hàm Yên; thực hiện hiệu quả giải phóng mặt bằng thi công các dự án ở huyện Na Hang, Yên Sơn; lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại II; xây dựng trung tâm huyện Lâm Bình đạt tiêu chí đô thị loại V và một số dự án, công trình trọng điểm khác.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã chủ động cụ thể hóa Quy định số 30 và giao việc cho cán bộ thuộc quyền quản lý. Tính hết tháng 5-2021, toàn tỉnh có 565 cán bộ được các tổ chức, cơ quan, đơn vị giao việc đột phá, đổi mới theo thẩm quyền phân cấp. Nội dung việc đăng ký và được giao tập trung vào các lĩnh vực như: quản lý đất đai, giải quyết đơn thư, bảo đảm an ninh trật tự... Từ đó tạo sự đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong giao việc cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị.

Thảo luận hội nghị, các đại biểu khẳng định đây là chủ trương lớn đem lại hiệu quả cao khi triển khai các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều ý kiến trao đổi nhằm xác định nhiệm vụ được giao sát hơn với chức trách nhiệm vụ, có tính đột phá, đổi mới, việc khó, tồn tại, bức xúc tại địa phương, ngành công tác. Các nội dung công việc phải xác định mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng; việc đột phá, đổi mới cần được gắn với đánh giá cán bộ cuối năm…


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu kết luận tại hội nghị. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm khẳng định, giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã góp phần thay đổi tích cực trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, cần tiếp tục phát huy, nhân rộng cách làm thiết thực và ý nghĩa này. Để phát huy cách làm hay, sáng tạo, thiết thực của Quy định 30 trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như:

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 30; gắn với thực hiện nghiêm túc Quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó có đánh giá, rút kinh nghiệm và có giải pháp kịp thời khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Phải xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cần chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện đảm bảo đạt kết quả cao nhất. Cán bộ diện được giao việc đột phá, đổi mới phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực đăng ký việc đột phá, đổi mới, xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó đề ra giải pháp và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc được giao; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nói đi đôi với làm, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”...

Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định về giao nhiệm vụ đột phá, đổi mới đối với cán bộ thuộc diện cấp mình quản lý, tập trung vào những khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, các công việc có tính đột phá, việc mới, việc khó, việc tồn đọng, bức xúc của nhân dân. Trọng tâm là thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 của tổ chức đảng, địa phương cấp mình nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Việc tổ chức đánh giá kết quả thực hiện việc đột phá, đổi mới của cán bộ phải đảm bảo chính xác, khách quan, toàn diện, công khai, minh bạch; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các cá nhân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đồng thời chấn chỉnh, xử lý những cán bộ thực hiện chưa tốt, không hoàn thành nhiệm vụ; sử dụng kết quả đánh giá thực hiện việc đột phá, đổi mới được giao để kiểm chứng, đánh giá, xếp loại cán bộ hằng năm và nhiệm kỳ; là thước do năng lực, sở trường công tác của cán bộ trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, triển vọng phát triển để quy hoạch, sử dụng, bố trí cán bộ phù hợp năng lực, sở trường, vị trí việc làm.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục