Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng lẵng hoa chúc mừng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Bám sát quan điểm tín dụng chính sách xã hội là một chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế bền vững và thoát nghèo, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và sự tích cực trong triển khai thực hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội, qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đến 31/8/2022 đạt 3.575 tỷ đồng, tăng gấp 23,3 lần so với dư nợ khi thành lập; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 18,9%; mức cho vay bình quân/ hộ tăng từ 5 triệu đồng lên 37,8 triệu đồng; đã có trên 472.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; giúp cho trên 153.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, trên 128.000 lượt hộ thoát ngưỡng cận nghèo, trên 32.000 lao động có việc làm, trên 25.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng được trên 126.000 công trình vệ sinh và nước sạch, trên 13.000 căn nhà cho hộ nghèo...Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm giảm khoảng 3% và thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội khác. Các chương trình tín dụng được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai, dân chủ. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng hoa chúc mừng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao kết quả tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời khẳng định trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang thực hiện tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng chí mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo cân đối nguồn vốn ủy thác địa phương, ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường nguồn vốn vay, nhất là cho vay giải quyết việc làm.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả đã đạt được của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp; hệ thống Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác tín dụng chính sách xã hội của tỉnh, đó là: Một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình tín dụng chính sách ở một số địa phương có lúc chưa kịp thời; việc lồng ghép các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội gắn với sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp trong tuyên truyền, phổ biến, thực hiện tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả,… Đồng chí đề nghị thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt sâu rộng, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh. Tích cực huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; ngoài nguồn vốn từ Trung ương, cần huy động vốn từ tổ chức, cá nhân, các nguồn hợp pháp khác; hằng năm, quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; phấn đấu 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ của Ngân hàng chính sách xã hội. Củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, dân chủ, khách quan, hạn chế rủi ro và phát huy tốt hiệu quả. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn cách chi tiêu gia đình, giúp người vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, cán bộ của các cấp, các ngành liên quan, bảo đảm có chuyên môn, nghiệp vụ, thực sự tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở, chia sẻ và gắn bó mật thiết với nhân dân, theo phương châm: "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ". Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cần thực hiện tốt chức năng giám sát cộng đồng, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân.

Đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân.

Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 35 tập thể, 56 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018-2022. 17 tập thể và 60 cá nhân được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng giấy khen. Các bộ, ban, ngành Trung ương tặng Bằng khen cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

NT
Ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục