Tinh gọn hiệu lực và hiệu quả

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị. Tuy chưa thể đáp ứng tất cả các yêu cầu đề ra, song dự án Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.

Cần cơ sở pháp lý để tổ chức bộ máy hành chính mới

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 18-NQ/TW), Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 56/2017/QH14) đã nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật. Ảnh: Quang Khánh

Các nghị quyết, kế hoạch nêu trên đã đặt nền tảng định hướng rất quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện sâu rộng việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong thời gian qua cũng đã có sự chuyển động tại phần lớn các bộ, ngành, địa phương, có kết quả cụ thể, được tiến hành thường xuyên, liên tục, với quyết tâm xây dựng bộ máy “gọn”, con người “tinh” hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhưng thực tiễn trong khâu tổ chức thực hiện cho thấy, để một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính vốn cồng kềnh, lạc hậu nảy sinh không ít cơ chế thiếu minh bạch, thể chế chưa hoàn thiện làm hạn chế không gian và động lực phát triển - trở nên tinh gọn, hoạt động tốt hơn và phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ không dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp. Mặt khác, như thực tế được nhiều ĐBQH phản ánh tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ở Kỳ họp thứ Sáu, do tiến hành sáp nhập mà chưa được hướng dẫn cụ thể, thiếu cơ sở pháp lý, dẫn tới mỗi nơi còn cách hiểu, cách làm khác nhau, nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy còn nặng tính cơ học, chưa tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật. Dường như nhiều nơi chủ yếu quan tâm góc độ “tinh giản”, nơi nào tinh giản, sáp nhập được nhiều thì coi đó là thành tích.

Một nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên cũng được ĐBQH chỉ ra là do chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Nhà nước. Bởi lẽ, dù Nghị quyết 56 của QH đã yêu cầu, trong năm 2018, phải hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, văn bản về chức năng, nhiệm vụ , cơ cấu tổ chức , cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực... Song, gần hết năm 2018 mà nhiều văn bản chưa được ban hành, nên tổ chức bộ máy vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tế và với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, UBTVQH đã quyết định bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Dự án Luật dự kiến sẽ được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Có thể thấy, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56 của Quốc hội đưa ra nhiều yêu cầu, công việc cụ thể cần thực hiện để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhưng các yêu cầu đưa ra khó có thể xử lý trong một dự án Luật, nên Chính phủ đề xuất chỉ tập trung điều chỉnh trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương tập trung vào tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.

Cụ thể, để tinh gọn bộ máy, dự thảo Luật điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 23, Luật Tổ chức Chính phủ) theo hướng giao Chính phủ quy định tiêu chí thành lập tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Chính phủ cũng sẽ quy định tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn có tính đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn thuộc thuộc UBND cấp tỉnh; quy định biên chế tối thiểucủa các tổ chức hành chính; số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập… Việc Chính phủ được xác định những vấn đề nêu trên được cho là sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương quyết định cụ thể, bảo đảm phù hợp với phạm vi, đối tượng quản lý và quy mô, tính chất hoạt động, yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo hướng giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, giảm cấp phó.

Bên cạnh mục tiêu tinh gọn bộ máy, thì yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước cũng được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật này. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới điều chỉnh theo hướng quy định việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về ngân sách và nguồn nhân lực của các địa phương. Và dự thảo Luật cũng chỉ quy định mang tính nguyên tắc về việc các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước phải bảo đảm không chồng chéo nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cơ quan.

Dưới góc nhìn của cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã chỉ rõ: Vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương không chỉ dừng ở những quy định có tính nguyên tắc mà còn thể hiện ở các điều khoản về nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính; không chỉ thể hiện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà còn ở rất nhiều các luật chuyên ngành khác. Nói cách khác, cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cấp chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, và cần rà soát các luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, đối với những địa phương đã tự chủ được kinh phí ngân sách thì cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, địa phương không nhất thiết việc gì cũng phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Song song với đó, cũng cần nghiên cứu thêm vấn đề giao chỉ tiêu biên chế phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên (loại đơn vị hành chính) cho từng địa phương vì khi phân quyền, phân cấp có nghĩa là sẽ giao cho địa phương nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn nhưng phải bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Những vấn đề về mặt nguyên tắc được cơ quan chủ trì thẩm tra đưa ra trên thực tế có ý nghĩa quan trọng để làm sáng rõ hơn về mặt chính sách, cũng như bảo đảm tính khả thi của dự án Luật này. Tuy nhiên, để hình thành một dự thảo Luật hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp và tối ưu hóa các chính sách đưa ra đòi hỏi tích cực đóng góp ý kiến của ĐBQH, cũng như cần sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của cơ quan chức năng. Hy vọng, với sự nỗ lực, trách nhiệm cao này tạo ra cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước. 

Theo Báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục