Sáng 23/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. |
Người dân chưa mặn mà
Theo báo cáo của Tổ Công tác (thuộc Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử), ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, xác định năm nay là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng Chính phủ điện tử.
Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Thành phố Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ và khoảng một nửa số địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Tính đến quý 2/2019, các địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Tháng 6 vừa rồi, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã được đưa vào sử dụng, thống nhất việc nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng được ưu tiên triển khai như cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đất đai, tài chính...
Về khó khăn trong triển khai, tại hội nghị, một số địa phương nêu thực tế, mặc dù địa phương có dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, nhưng lại chưa thực hiện được việc chia sẻ, kết nối để sử dụng trong các phần mềm mà các bộ, ngành triển khai tại địa phương.
Ở một số nơi, người dân chưa mặn mà với các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 do vẫn phải đi nộp phí và lệ phí thủ công. Bởi thực tế việc thanh toán trực tuyến các phí, lệ phí vẫn chưa thực hiện được, do chưa có sự thống nhất về cách thức và hình thức thanh toán trực tuyến tập trung.
Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nêu vướng mắc về chữ ký số. Theo ông Tân, về xử lý vướng mắc đối với sử dụng chữ ký số, hiện tại khi chuyển dữ liệu điện tử có sử dụng chữ ký số giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp hay ngược lại thì không có công cụ xác thực chữ ký số.
Do đó, kiến nghị Chính phủ cần xây dựng cổng xác thực chữ ký số quốc gia nhằm xác thực các hồ sơ đã được ký số trên cổng dịch vụ công trực tuyến và xác thực hồ sơ được ký số được lưu chuyển giữa các đơn vị hành chính nhà nước.
Không bỏ nếp cũ thì khó thành công
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ điện tử là vấn đề mới và khó, nếu không quyết tâm, không bỏ nếp cũ thì khó triển khai thành công. Do đó, Thủ tướng yêu cầu quyết tâm xây dựng cho được Chính phủ điện tử.
Dù đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tốt nhiều nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra không ít tồn tại. Đó là số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ sử dụng còn thấp, hiệu quả chưa cao, nhất là các dịch vụ mức độ 3, mức độ 4. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển công nghệ Chính phủ điện tử còn chậm, nhất là dữ liệu về dân cư.
Thủ tướng cũng lưu ý vừa qua chính quyền điện tử phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, dùng nhiều phần mềm, nền tảng công nghệ thông tin khác nhau dẫn đến thiếu tương thích, liên thông, có sự trùng lắp và không đồng bộ.
Trước việc bố trí ngân sách cho xây dựng Chính phủ điện tử còn gặp khó khăn, điển hình là đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an đề xuất phương án hợp tác công-tư để thực hiện nhiệm vụ này.
Nêu lên những tồn tại thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử phải thực chất để phát triển đất nước, không hình thức trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng nêu tầm nhìn thời gian tới là phải xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Chính phủ điện tử, Chính phủ số và kinh tế số là ba cấp độ khác nhau, không phải là xong cấp độ 1 rồi mới tới cấp độ hai, mà ngay trong cấp độ 1 đã có các yếu tố của cấp độ 2 và 3.
"Tầm nhìn phải như vậy chứ không phải lộn lại làm từng bước. Việc xây dựng Chính phủ điện tử là để giải quyết 4 mối quan hệ, trong đó có hai quan hệ với bên ngoài là Chính phủ với người dân và Chính phủ với doanh nghiệp; hai quan hệ nội bộ giữa cơ quan Chính phủ với nhau và giữa Chính phủ với cán bộ công chức. Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt được mối quan hệ bên ngoài” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ.
Theo đó, phương châm thực hiện Chính phủ điện tử là lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện, bởi nếu người dân không sử dụng, coi như Chính phủ điện tử thất bại.
Trong quá trình triển khai, Thủ tướng chỉ đạo những gì đã có, đang triển khai tốt thì phải liên thông lại; những gì chưa làm thì phải làm theo cách mới. Cụ thể là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, bộ, ngành, tránh lãng phí; triển khai đồng bộ, nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này.
Nhấn mạnh đây là quan điểm mới mang tính đột phá trong giai đoạn tới của Chính phủ điện tử, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đề xuất nền tảng dùng chung của chính phủ điện tử, kể cả phương án Nhà nước đầu tư hay thuê, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần chú ý việc thiết kế lại các quy trình cung cấp dịch vụ công để phù hợp, đưa lên trực tuyến. Ưu tiên làm trước các dịch vụ thiết yếu. Cần nhấn mạnh việc quản trị việc quản trị dữ liệu, bởi dữ liệu là tài nguyên trong nền kinh tế số, là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số và Chính phủ điện tử.
Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản trị dữ liệu, bao gồm xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu; tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy định quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong quản trị dữ liệu; quản lý kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Cùng với việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tăng tốc trong nửa chặng đường còn lại của năm 2019 trong xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 17 mới chỉ là giải pháp trước mắt. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng xây dựng Chiến lược Chính phủ điện tử giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020./.