Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật sửa đổi, bổ sung) đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND có những sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Về cơ cấu tổ chức và số lượng đại biểu HĐND.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh không có Chánh Văn phòng HĐND và cấp xã thêm 02 Trưởng ban. Việc cơ cấu thêm 02 Trưởng ban đối với Thường trực HĐND cấp xã là phù hợp, đảm bảo sự thống nhất về cơ cấu của Thường trực HĐND các cấp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND cấp xã.

Về số lượng đại biểu HĐND, giảm từ 10% đến 15% ở từng loại hình đơn vị hành chính. Quy định này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện, chính quyền địa phương bám sát Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND để xây dựng cơ cấu đại biểu hợp lý, giảm số người làm công tác trong cơ quan hành chính nhà nước nhưng vẫn bảo đảm tính đại diện của cử tri và của các cơ quan, tổ chức trong HĐND. 

2. Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.

- Đối với số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện: Giảm từ 02 người xuống còn 01 người. Quy định này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung là phù hợp vì phạm vi công việc của HĐND cấp huyện không nhiều, phức tạp như đối với cấp tỉnh.

- Đối với số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, hiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề xuất 02 phương án:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Phương án 2: Quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Với phương án 1 sẽ bảo đảm cho cơ cấu của Thường trực HĐND hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thiết chế này trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương hiện nay nhưng chưa giảm được số lượng cấp phó đối với HĐND cấp tỉnh. Đối với phương án 2, việc bố trí 02 vị trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách giúp cho việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, khi Chủ tịch HĐND thay đổi từ hoạt động chuyên trách sang kiêm nhiệm hoặc ngược lại thì số Phó Chủ tịch HĐND cũng phải bố trí thay đổi theo để bảo đảm luôn có 02 lãnh đạo HĐND hoạt động chuyên trách.

- Đối với số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề xuất 02 phương án:  

Phương án 1: Quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Phương án này tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc bố trí cán bộ làm Phó Trưởng ban của HĐND. Trong trường hợp Trưởng ban của HĐND hoạt động chuyên trách thì vẫn có thể giảm được một cấp phó theo chủ trương của Trung ương.

Phương án 2: Quy định HĐND cấp tỉnh có không quá 02 Phó Trưởng ban, trong đó có 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Phương án này có ưu điểm là giảm được một biên chế đối với mỗi Ban của HĐND cấp tỉnh nhưng lại chưa phù hợp với chủ trương nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan dân cử theo hướng giảm đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, tăng đại biểu hoạt động chuyên trách.

3. Về việc HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND hoặc UBND được quyết định một số nhiệm vụ cấp bách, phát sinh trong thời gian giữa 02 kỳ họp nhưng phải báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Đây là vấn đề không ít địa phương và đại biểu Quốc hội đề xuất. Tuy nhiên hiện nay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung không quy định vấn đề này. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mỗi một cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng và tính chất hoạt động khác nhau, theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với tính chất của cơ quan dân cử hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, nếu quy định HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND thì sẽ không bảo đảm tính quyền lực và tính đại diện cho toàn thể nhân dân địa phương của HĐND; nếu quy định ủy quyền cho UBND thì sẽ ảnh hưởng đến vai trò của HĐND trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, không có cơ chế kiểm soát quyền lực khi mà UBND vừa là cơ quan trình lại vừa là cơ quan quyết định. Với những quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, HĐND hoàn toàn có thể triệu tập kỳ họp để giải quyết những công việc quan trọng, phát sinh đột xuất thuộc thẩm quyền giải quyết.

Việc không bổ sung quy định HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND đòi hỏi phải có sự đồng bộ, có kế hoạch của UBND trong việc đề xuất các nội dung trình kỳ họp HĐND; hạn chế tối đa việc chỉ vì 01 công việc, 01 vấn đề mà phải tổ chức riêng kỳ họp của HĐND, vừa gây tốn kém công sức, kinh phí, vừa không đảm bảo tính khoa học cũng như giảm phần nào vị thế kỳ họp của HĐND.

4. Về bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp xã trong việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định về thẩm quyền này đã được bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung và nó rất phù hợp vì trên thực tế, chính quyền địa phương ở cấp xã vẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quyết định và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương do cấp trên, cấp ủy giao và những vấn đề thực tế của địa phương.

5. Về bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tổ đại biểu HĐND; cách thức hoạt động, mối quan hệ công tác và các điều kiện cần thiết để Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong hoạt động giám sát.

Đây cũng là vấn đề được một số địa phương, đại biểu Quốc hội đề xuất và không được tiếp thu, đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ đại biểu HĐND là một hình thức hoạt động của các đại biểu HĐND được bầu ở một hoặc một số đơn vị bầu cử, không phải là một tổ chức trong cơ cấu của HĐND. Vì vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu; còn những vấn đề khác liên quan đến cách thức hoạt động, mối quan hệ công tác và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Tổ đại biểu,…là do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định. Vấn đề sử dụng con dấu trong hoạt động của Tổ đại biểu vì liên quan đến giá trị pháp lý của các văn bản do Tổ đại biểu phát hành đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5 của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về quy trình, phương thức tiến hành giám sát của Tổ đại biểu HĐND, tại Mục 4, Chương III của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã quy định cụ thể.

6. Việc quy định HĐND cấp xã có Tổ đại biểu HĐND tương tự như ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Vấn đề này không được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung vì thực tế số lượng đại biểu HĐND ở cấp xã không nhiều, khoảng từ 15 đến 30 đại biểu, cùng sinh hoạt trong một phạm vi địa bàn hẹp ở cấp cơ sở. Hoạt động của các đại biểu HĐND cấp xã chủ yếu diễn ra trong thời gian họp HĐND nên không cần thiết quy định về Tổ đại biểu HĐND ở cấp xã./.

 

Thanh Lê

Tin cùng chuyên mục