Quyết định đúng, trúng tạo động lực thúc đẩy phát triển

Những thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang năm 2022 là kết quả của việc phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Trong đó, có vai trò đặc biệt quan trọng của cơ quan dân cử với cách làm sáng tạo, quyết liệt, ban hành những quyết sách thiết thực, khả thi tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Kênh thông tin đắc lực cho thảo luận, quyết nghị tại kỳ họp

Đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, năm 2022, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 5 kỳ họp. Để nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp, nhất là quyết định đúng và trúng những vấn đề quan trọng của địa phương, công tác chuẩn bị được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, phối hợp thực hiện từ sớm, sát sao trong chỉ đạo, phân công; quy định rõ thời gian hoàn thành và đôn đốc các cơ quan, đơn vị chuẩn bị bảo đảm quy trình, thủ tục hồ sơ theo đúng quy định. Nhất là chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm tra, trở thành kênh thông tin đắc lực cho đại biểu thảo luận, biểu quyết tại kỳ họp.


Các đại biểu trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX. Ảnh: BaoTuyenQuang

Theo đó, ngay sau khi thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực phân công các Ban HĐND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể thẩm tra theo từng lĩnh vực. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan soạn thảo bảo đảm quy trình, thủ tục, thời gian chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết, chuyển về các Ban HĐND tỉnh thẩm tra. Hoạt động thẩm tra tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Các Ban HĐND tỉnh tăng cường khảo sát, nắm tình hình thực tế, kết hợp với nghiên cứu tài liệu tham khảo phục vụ tốt cho hoạt động thẩm tra. Báo cáo thẩm tra bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, nêu rõ những nội dung yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan tiếp thu, báo cáo giải trình làm rõ, là căn cứ quan trọng để đại biểu thảo luận trước khi quyết định thông qua nghị quyết.

Cùng với đó, chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học; điều hành linh hoạt, phát huy dân chủ và trách nhiệm của đại biểu cùng các cơ quan liên quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuẩn bị, điều hành kỳ họp được đẩy mạnh, nhất là trong cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu dự kỳ họp. Đặc biệt, đã dành thời gian thỏa đáng, tăng cường tranh luận tại phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.


Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang vinh dự đạt “Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022. Nguồn: BaoTuyenQuang

Các đại biểu chủ động nghiên cứu tài liệu, nắm tình hình thực tế, trên cơ sở đó, tranh luận, trao đổi để làm rõ những vấn đề đặt ra. Điển hình, tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 HĐND tỉnh, đã có 35 đại biểu đăng ký thảo luận; 19 đại biểu phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường. Các ý kiến thảo luận thẳng thắn chỉ ra khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp thiết thực về: việc thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh; công tác chuyển đổi số; công tác quản lý đô thị, đất đai, khoáng sản và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh…

Tạo điều kiện để cử tri theo dõi, giám sát

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong những năm trước, năm 2022 đã tăng các phiên được truyền hình trực tiếp trong các kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp thường lệ cuối năm) của HĐND tỉnh Tuyên Quang mới đây, có 4/8 phiên họp được truyền hình trực tiếp. Các phiên khai mạc, thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, fanpage Báo Tuyên Quang, Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để đông đảo cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh theo dõi. Việc tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của HĐND không chỉ tạo điều kiện cho cử tri, Nhân dân theo dõi, giám sát mà còn có hiệu ứng tích cực để cả cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan điều hành phát huy cao nhất tinh thần, trách nhiệm trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình.

Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023, xác định 20 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó: tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) (theo giá so sánh 2010) tăng 9% so với năm 2022; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đầu người trên 55,7 triệu đồng/người/năm; duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều >3,5%; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nâng thứ hạng của tỉnh Tuyên Quang trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số, phấn đấu xếp thứ 35 của cả nước…

Năm 2022, qua tổ chức 5 kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua, ban hành 84 nghị quyết cụ thể hóa cơ chế, chính sách, quy định của Trung ương đồng thời bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển của tỉnh năm 2022 và trong những năm tới như: Nghị quyết về quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công; các nghị quyết triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; các nghị quyết liên quan đến triển khai đầu tư đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 1) và các dự án, công trình trọng điểm khác của tỉnh…

PVL

Tin cùng chuyên mục