Dự lễ phát động tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố và đại diện một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Lễ phát động tại điểm cầu Tuyên Quang.
Đề án “Xây dựng xã hội học tập” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005 theo các thời kỳ, giai đoạn 2005-2010, 2012-2020 và 2021-2030. Tính đến nay, việc triển khai các đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống. Trong 4 mục tiêu chính của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020” đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.
Tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội; tạo sự gắn kết giữa giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường. Quy mô trường học trên địa bàn tỉnh được phát triển hoàn thiện theo hệ thống giáo dục quốc dân. Ngành giáo dục nỗ lực, tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Các đại biểu dự Lễ phát động tại điểm cầu Tuyên Quang.
Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030 là sự tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là hành động để tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết, tác động, ích lợi của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Thủ tướng yêu cầu, xây dựng xã hội theo hướng đa dạng hóa các hoạt động, gắn học với hành, tài với đức, hỗ trợ các trung tâm đào tạo cộng đồng, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng xã hội học tập, để ai có nhu cầu đều được học tập, hỗ trợ điều kiện học tập cho người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau khi xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, xây dựng các thiết chế hỗ trợ việc học tập, khuyến khích văn hóa đọc; khích lệ tinh thần người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, cả nước học tập; bảo đảm tri thức đi liền với văn hóa, đạo đức, góp phần chấn hưng nền văn hóa Việt Nam...