Ngày 22/11/2019, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Một số điểm mới cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), như sau:
1. Quy định đại biểu Hội đồng nhân dân cần có 01 quốc tịch Việt Nam
Đây là nội dung mới được bổ sung vào Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, tiêu chuẩn của đại biểu HĐND phải đáp ứng điều kiện có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Nội dung này được hiểu là có thể người mang nhiều quốc tịch nhưng trong đó phải có quốc tịch Việt Nam.
2. Các quy định về phân cấp, phân quyền
- Quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 11 như sau: “e) Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.”.
- Quy định phân quyền cho chính quyền địa phương, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 như sau: “1. Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.”.
- Quy định phân cấp cho chính quyền địa phương, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 như sau: “3. Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.”.
- Quy định ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 14 như sau: “1. Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản. 2. Việc ủy quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền.”.
3. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều giảm
Một trong những nội dung cơ bản đáng chú ý được nhiều cử tri quan tâm của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp. Trong đó:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương:
+ Thành phố trực thuộc trung ương có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì cứ thêm 60.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 85 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 quy định không quá 95 đại biểu).
+ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được bầu 95 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 quy định không quá 105 đại biểu).
- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh:
+ Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng không quá 75 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là không quá 85 đại biểu).
+ Tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 85 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 không quá 95 đại biểu).
- Đại biểu Hội đồng nhân dân quận: Quận có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 35 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là trên 80.000 dân được bầu tối đa 40 đại biểu).
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố:
+ Thị xã có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 35 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là trên 70.000 dân được bầu tối đa 40 đại biểu)
+ Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 35 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 được bầu tối đa 40 đại biểu).
+ Số lượng đại biểu HĐND ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 tối đa 45 đại biểu).
- Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện:
+ Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 40.000 dân thì cứ thêm 7.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng không quá 35 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là không quá 40 đại biểu).
+ Huyện không thuộc trường hợp trên có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 35 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là không quá 40 đại biểu).
+ Huyện có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tổng số không quá 40 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là không quá 45 đại biểu).
- Đại biểu Hội đồng nhân dân phường, sửa đổi, bổ sung như sau:
+ Phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là 8.000 dân không quá 25 đại biểu).
+ Phường có trên 10.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 30 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là trên 8.000 dân không quá 35 đại biểu).
- Đại biểu Hội đồng nhân dân xã sửa đổi, bổ sung như sau:
+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2.000 dân đến dưới 3.000 dân được bầu 19 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là 20 đại biểu).
+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 3.000 đến 4.000 được bầu 21 đại biểu; có trên 4.000 thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 30 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là không quá 35 đại biểu).
+ Xã không thuộc trường hợp tại các quy định nêu trên có từ 5.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được bầu thêm 01 đại biểu, tổng số không quá 30 đại biểu (trước ngày 01/7/2020 là 35 đại biểu).
3. Giảm số lượng Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, cụ thể như sau:
- Đối với HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch HĐND (trước khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định cả Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch HĐND có thể hoạt động chuyên trách).
- Đối với HĐND cấp huyện: Thường trực HĐND huyện gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND (trước khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định hai Phó Chủ tịch HĐND).
4. Giảm số lượng đại biểu chuyên trách các Ban của HĐND cấp tỉnh: Trường hợp Trưởng ban của HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của HĐND là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban (trước khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Trưởng ban và hai Phó Trưởng ban có thể hoạt động chuyên trách).
5. Tăng số lượng Phó Chủ tịch của xã loại II, cụ thể: Luật sửa đổi cũng thay đổi cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong đó, cho phép xã loại II được có tối đa hai Phó Chủ tịch xã (trước đây chỉ có một Phó Chủ tịch); xã loại I và xã loại III, Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn quy định như trước đây.
6. Luật quy định Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh không tham gia làm Ủy viên Thường trực HĐND; Thường trực HĐND cấp xã bổ sung thêm Ủy viên Thường trực là Trưởng các Ban của HĐND cấp xã.
7. Không còn khái niệm “họp bất thường”, cụm từ “họp bất thường” đã được sửa đổi, bổ sung bằng cụm từ “họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất”.
8. Đối với điều khoản chuyển tiếp, quy định như sau: Từ ngày Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có hiệu lực (ngày 01/7/2020) cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026, số lượng đại biểu HĐND tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp xã, số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của Ban của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.