Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018

Ngày 2-7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.


Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tuyên Quang.  Ảnh: Thành Công

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục diễn biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08% là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây; đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tín dụng tăng trưởng tốt, tính đến ngày 20-6, đạt 6,35%; thu ngân sách nhà nước đạt khá, ước đạt gần 652 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với vùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 474 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 225,1 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường…cơ bản ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Lạm phát trong tầm kiểm soát, tuy nhiên liên tiếp trong tháng 5 và 6, chỉ số CPI có sự tăng trưởng mạnh so với tháng trước đó gây khó khăn trong kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%; căng thẳng chiến tranh thương mại trên thế giới có dấu hiệu lan rộng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam; an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông…còn diễn biến phức tạp. Trong tháng 6 vừa qua, thiên tai đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính 808 tỷ đồng.

Thực hiện mục tiêu 6 tháng cuối năm, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng; tổ chức theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, dự án lớn, động lực của tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề ra những điều chỉnh cần thiết khi có sự thay đổi lớn; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nóng của xã hội, nhằm củng cố niềm tin của xã hội, ổn định và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động phương án xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ, phát sinh thành điểm nóng gây phức tạp về an ninh trật tự.

Tại hội nghị các đại biểu cũng được nghe báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm.

Hội nghị cũng nghe lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh và thành phố báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm.

Tỉnh ta, trong 6 tháng đầu năm nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,1%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5%. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, tổng vốn đầu tư các chương trình đạt trên 2.090 tỷ đồng, qua 6 tháng, đã giải ngân trên 710 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch. Có 26/50 chủ đầu tư được giao vốn có tỷ lệ giải ngân trên 36%, cao hơn mức giải ngân trung bình của tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mặc dù đạt mức tăng trưởng cao, nhưng dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy các bộ, ngành trung ương, địa phương phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn công tác chỉ đạo, triển khai với công tác theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công vụ; kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật theo thẩm quyền để kịp thời điều chỉnh, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, coi công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Kiên quyết không có “vùng cấm” trong xử lý các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản bác thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, định hướng thông tin dư luận đúng đắn. Chú trọng tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, tạo động lực tinh thần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục