Hội nghị kỹ năng giám sát và chất vấn dành cho đại biểu dân cử

Ngày 13 - 14/01/2022, tại Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang, Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kỹ năng giám sát và chất vấn dành cho đại biểu dân cử.

Các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh tại hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu; các đồng chí đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện Uỷ ban Kinh tế; Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; các đồng chí Báo cáo viên; đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng  nhân dân 16 tỉnh, thành phố.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng; nâng cao năng lực cho đại biểu dân cử (tập trung vào nhóm đại biểu là người dân tộc thiểu số) trong hoạt động giám sát, chất vấn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chào mừng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ vui mừng được Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn Tuyên Quang là nơi tổ chức hội nghị. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu khái quát về tỉnh Tuyên Quang, những tiềm năng, thế mạnh cũng như các thành tựu trên các lĩnh vực tỉnh đạt được trong thời gian qua; thành tựu mà tỉnh đạt được trong những năm qua là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với sự quan tâm giúp đỡ to lớn của Trung ương và sự hỗ trợ, hợp tác của các địa phương trong cả nước.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh khẳng định Hoạt động của HĐND tỉnh và các đại biểu dân cử của tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt, hoạt động giám sát luôn được hết sức chú trọng, có nhiều đổi mới căn bản, bảo đảm toàn diện, sát thực, chất lượng, hiệu quả. Các cuộc giám sát được chuẩn bị kỹ, lựa chọn nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát trúng và đúng; có sự kết hợp chặt chẽ giữa giám sát của Thường trực với giám sát của các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh; có sự tham gia của những người am hiểu các lĩnh vực làm thành viên Đoàn giám sát hoặc thành viên Tổ giúp việc Đoàn giám sát. Chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức dân chủ, công khai, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và biện pháp, thời hạn khắc phục hạn chế”. Kết quả các cuộc giám sát, chất vấn, giải trình là kênh thông tin quan trọng, làm cơ sở cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quyết định nhiều chủ trương trên các lĩnh vực, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân… Hội nghị về Kỹ năng giám sát, chất vấn dành cho đại biểu dân cử được tổ chức hôm nay là hoạt động có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đồng thời, là cơ hội để các đại biểu dự hội nghị chia sẻ về những cách làm hay, thảo luận về những vướng mắc, bất cập và đề xuất giải pháp để nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử nói riêng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND nói chung. Đồng chí mong muốn, qua hội nghị lần này, Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh tiếp tục quan tâm, giới thiệu, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh, tạo thêm nguồn lực để tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc, xứng đáng với vị thế của Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tỉnh Anh hùng.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên gia, các báo cáo viên trình bày các chuyên đề: Tổng quan về hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; Kỹ năng thảo luận, chất vấn tại phiên họp toàn thể; Kỹ năng chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Giám sát chuyên đề về các nội dung liên quan đến dân tộc thiểu số; tổ chức và tham gia hoạt động giải trình… các đại biểu cũng được nghe Nghị sĩ Nghị viện Anh chia sẻ về các hình thức giám sát (chất vấn và điều trần) của Nghị viện Anh; nghe các Báo cáo viên chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; kinh nghiệm việc thực hiện quyền chất vấn của đại biểu dân cử; kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ giám sát tại Đoàn đại biểu Quốc hội; hoạt động giải trình từ kinh nhiệm củ Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội…


Toàn cảnh hội nghị.

Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang  nhấn mạnh, giám sát là một hoạt động rất quan trọng, bảo đảm vai trò, chức năng của Hội đồng nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; trong nhiệm kỳ 2016-2021 và những tháng đầu nhiệm kỳ 2021-2026, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện nâng cao hiệu quả, giúp đánh giá chính xác, khách quan, kịp thời việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đưa Nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương... từ thực tế hoạt động giám sát tại địa phương, đồng chí đã chia sẻ những ưu điểm và khó khăn, hạn chế trong thực hiện hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, đồng thời đưa ra 4 giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của HĐND các cấp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025, cụ thể:

Một là: Thường trực HĐND và các Ban của HĐND bám sát chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ, nhất là các khâu đợt phá, nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, chương trình lớn của tỉnh để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm với nội dung giám sát toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn địa phương, chú trọng đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm và kiến nghị chính đáng của cử tri. Thực hiện giám sát từ khâu chuẩn bị, ban hành cơ chế, chính sách, để kịp thời phát hiện, kiến nghị những điểm cần bổ sung, điều chỉnh; những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Hai là: Nâng cao năng lực giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND, bộ máy giúp việc HĐND tỉnh, nhất là vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh.

Ba là: Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kiến nghị, kết luận sau giám sát của Hội đồng nhân dân.

Bốn là: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhất là với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội trong hoạt động giám sát; có cơ chế chia sẻ, cung cấp đày đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến nội dung, vấn đề, đối tượng giám sát.


Đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Sau 1,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị Bồi dưỡng đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra theo kế hoạch./.

Phòng Công tác Quốc hội
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục