Theo đó, ngày 15/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 và giao Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo dự kiến, Chương trình được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về mọi mặt với nhiều chính sách lớn và dài hạn. Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, là “Lõi nghèo của cả nước”, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, còn một số hạn chế về bình đẳng giới, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị. Khoảng cách phát triển giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh, giữa các nhóm dân tộc thiểu số, giữa miền núi và miền xuôi chưa được rút ngắn. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,5% tổng số hộ nghèo của cả nước.
Ảnh minh họa. (nguồn: vpcp.chinhphu.vn) |
Báo cáo cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến các chính sách đã được thực hiện chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi là do có quá nhiều chính sách ở nhiều chương trình, dự án khác nhau cùng tác động đến một chủ thể; theo đánh giá của cơ quan soạn thảo thì hiện có rất nhiều chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc nằm ở nhiều bộ, ngành dẫn đến sự phân tán, manh mún, thiếu đồng bộ, không căn cơ và không bài bản trong khi nguồn lực hạn chế. Điều này dẫn đến việc thực hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra, đời sống của khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, càng ngày càng có sự phân hóa giàu nghèo, tạo nên khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp người dân. Do vậy, chủ trương của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa các vùng miền, hài hòa giữa các tầng lớp người dân.
Theo báo cáo đề xuất của Ủy ban Dân tộc trình, Chương trình thực hiện đối với các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, theo 2 giai đoạn; mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số hằng năm trên 3%, tăng thu nhập hộ gia đình dân tộc thiểu số gấp trên 2 lần so với năm 2019 và đến năm 2030 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%, thu nhập hộ gia đình dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước. Dự thảo được Ủy ban Dân tộc đề xuất 10 dự án thuộc một số lĩnh vực khác nhau, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra; đây là Chương trình lớn, rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021-2030.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp tất cả các chương trình liên quan đến đồng bào dân tộc, thống nhất quản lý, điều hành; phát huy hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực nhà nước để sau khoảng thời gian 5 năm, 10 năm thực hiện sẽ nhìn thấy kết quả cụ thể. Việc xây dựng, ban hành và thực hiện Chương trình nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục hạn chế, bất cập để phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đồng thời, giải quyết được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc hiện nay, đáp ứng mong đợi của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, bền vững, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Chương trình được ban hành và thực hiện là động lực quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương, đóng góp nguồn lực không nhỏ để các địa phương thực hiện các mục tiêu của Đảng, nhà nước về công tác dân tộc; đặc biệt là với những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh Tuyên Quang.