Đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh Covid-19

Với tinh thần “không ai bị bỏ lại ở phía sau” của Đảng và Nhà nước ta, vừa qua, Chính phủ đã thống nhất dành gói hỗ trợ an sinh khoảng 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong bốn ưu tiên hiện nay của Chính phủ, 62 nghìn tỷ đồng là mức tiền rất lớn trong khi đất nước ta còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vào thời điểm này khi mà nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, thông tin này đã làm ấm lòng hàng triệu người dân. Việc ban hành gói hỗ trợ không chỉ góp phần chia sẻ bớt khó khăn đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân của Đảng, Nhà nước ta, điều này cũng được Bộ Chính trị nhấn mạnh trong thông báo kết luận về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đó là yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống của nhân dân.

Bốn nguyên tắc hỗ hợ được nêu rõ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; Ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết.

Theo đó, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 01/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng. người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong công tác đối phó với đại dịch cho đến nay vừa minh chứng cho tinh thần tương thân tương ái của con người Việt Nam, vừa cho thấy một Nhà nước vì dân, do dân luôn tồn tại, hiện hữu. Gói cứu trợ thể hiện rõ vai trò bà đỡ của Nhà nước và thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ chúng ta. Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và toàn dân với một tinh thần đoàn kết, chia sẻ, yêu thương để mọi người đều ổn định cuộc sống, bảo đảm được trật tự an toàn xã hội và chúng ta quyết tâm vượt qua đại dịch.

Cùng với Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả hệ thống chính trị và cả xã hội đã quyết liệt vào cuộc dập dịch và chăm lo cho đời sống những người lao động, đời sống của nhân dân, nhiều doanh nghiệp cho dù khó khăn vẫn không sa thải người lao động mà tìm mọi cách để linh hoạt duy trì sản xuất, hệ thống ngân hàng vào cuộc bằng cách hạ lãi suất, dãn nợ, khoanh nợ tạo điều kiện tối đa cho vay vốn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất giảm giá điện lên đến 11 nghìn tỷ đồng; các doanh nghiệp viễn thông giảm gói các dịch vụ khoảng 15 nghìn tỷ đồng…

Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa, đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng. Trong khó khăn, tình đồng bào, ý thức công dân của mỗi người Việt Nam yêu nước lại bừng sáng. Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội, chân lý này một lần nữa đã được Tổng Bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại và nhấn mạnh trong lời kêu gọi toàn đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết để chiến thắng đại dịch Covid-19. Dù cho dịch bệnh vẫn đang là mối đe dọa với xã hội và nhiều người, nhưng nó là một  phép thử với khả năng ứng phó, điều hành của chính quyền, thái độ bản lĩnh của mỗi người dân khi mà sức đề kháng tinh thần của mỗi cá nhân và cả dân tộc khỏe mạnh; khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn nghĩ đến dân, lo cho dân gắn kết đồng lòng cùng nhân dân thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này.

Hoàng Linh

Tin cùng chuyên mục