Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà phát biểu với cử tri 5 xã của huyện Hàm Yên.
Dự hội nghị tiếp xúc cử tri có các đồng chí đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ huyện và các phòng, ban có liên quan thuộc UBND huyện Hàm Yên; trên 150 cử tri là đại diện Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện một số giáo viên, phụ huynh các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, ngoài công lập của 5 xã: Minh Khương, Bạch Xa, Yên Thuận, Minh Dân, Phù Lưu, huyện Hàm Yên.
Tại hội nghị, đại diện tổ đại biểu HĐND tỉnh đã báo cáo với cử tri về kết quả công tác giáo dục- đào tạo của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay và dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khoá XIX. Đại diện tổ đại biểu HĐND huyện Hàm Yên, HĐND xã Minh Khương báo cáo với cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ sáu HĐND huyện, xã nhiệm kỳ 2021- 2026.
Theo đó kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh dự kiến xem xét, thông qua 16 báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh trình tại kỳ họp; nghe Thông báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Thảo luận, xem xét, thông qua 18 dự thảo nghị quyết, trong đó có nghị quyết quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo như: Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XIX quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường công lập có cấp tiểu học; quy định mức chi trả cho đối tượng miễn, giảm học phí, mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm học 2023 - 2024.
Qua báo cáo của đại biểu HĐND tỉnh cho thấy từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay, lĩnh vực giáo dục - đào tạo của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Dưới sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành 10 nghị quyết về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo; UBND tỉnh ban hành 07 quyết định, 10 kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục, đào tạo. Cơ sở vật chất xây dựng trường mầm non, phổ thông từng bước được đầu tư, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 65%, tăng 25,2% so với năm 2020 (cấp mầm non đạt 49%; cấp tiểu học 59%; cấp THCS 83% và cấp THPT 95%); có 257/461 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đạt 55,7%, tăng 11,4% so với năm 2020 (cấp mầm non 48%; tiểu học 67,2%; THCS 61,1%; THPT đạt 25,7%. Toàn tỉnh có 07 trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng 4 trường liên cấp so với năm 2020 và 33 trường phổ thông dân tộc bán trú tăng 13 trường so với năm 2020. Tỉ lệ trường phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 27,3%, cao hơn bình quân của cả nước (15,5%). Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 147.517/226.927 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 64,8%. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên, có bước phát triển vượt bậc, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 03 năm gần đây đều đạt trên 98%. Năm 2022, điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố (tăng 22 bậc so với năm 2020). Chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên, năm 2023 toàn tỉnh có 20 học sinh đạt giải cấp quốc gia, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố theo chất lượng giải. Giáo dục mầm non ngoài công lập được tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện phát triển, toàn tỉnh hiện có 52 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (4 trường mầm non và 48 nhóm trẻ độc lập tư thục); tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ ngoài công lập đạt 9,5%, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020; tỉ lệ trẻ mẫu giáo ngoài công lập chiếm 3,7% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020). Đến nay tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ của Tuyên Quang đạt 45,6% và là một trong số ít tỉnh có tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ cao nhất cả nước. Giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề được tỉnh quan tâm, tỉnh tiếp tục đầu tư, phát triển Trường Đại học Tân Trào thành trung tâm đào tạo nhân lực trong khu vực và trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của tỉnh. Từ năm 2020 nay toàn tỉnh đã tuyển dụng được 2.528 viên chức giáo dục các cấp học. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo: Cấp mầm non 96%; cấp tiểu học 61%, cấp THCS 87%; cấp THPT 100%; trình độ trên chuẩn: mầm non 29%; tiểu học 0,2%; THCS 2%; THPT 14%. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn song tỉnh rất quan tâm bố trí nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục, giai đoạn 2020-2022 tổng chi cho giáo dục, đào tạo chiếm trên 29,2% trong tổng chi ngân sách địa phương. Công tác xã hội hóa giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo có chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tỉ lệ phòng lớp học kiên cố còn thấp, thấp hơn so với tỉ lệ bình quân của cả nước (65%/84,35%), toàn tỉnh thiếu 1.432 phòng Tin học. Đồ dùng, thiết bị dạy học tuy được trang cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là thiết bị dạy học hiện đại. Tỉ lệ giáo viên/lớp thấp hơn định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Mầm non đạt 1,9 giáo viên/nhóm, lớp; Tiểu học chỉ đạt 1,31 giáo viên/lớp; THCS đạt 1,6 giáo viên/lớp; cấp THPT đạt 2,04 giáo viên/lớp). Năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu trên 5.400 người, trong đó giáo viên thiếu trên 3.800 người. Năm học 2023-2024 dự kiến thiếu 4.363 người, trong đó giáo viên thiếu 2.472 người. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện thiếu giáo viên để tổ chức giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Chất lượng giáo dục có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày còn thấp, hiện chỉ đạt 51,1% nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học cấp tiểu học. Nhân viên kế toán phải kiêm nhiệm nhiều trường; nhân viên phụ trách thiết bị, thí nghiệm còn thiếu nhiều; giáo viên phải dạy vượt giờ, việc thanh toán tiền dạy thêm giờ cho giáo viên chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Cử tri xã Minh Khương nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri.
Tại hội nghị đã có 12 cử tri phát biểu ý kiến về 19 vấn đề, tập trung vào việc giáo dục đạo đức, ý thức pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh cấp trung học cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bàn ghế cho các trường học để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; quy hoạch mở rộng khuôn viên nhà trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường học; điều chỉnh thời gian ký hợp đồng với giáo viên đủ 12 tháng/năm; áp dụng thoả đáng mức chi trả tiền công cho giáo viên hợp đồng; không bố trí 1 kế toán làm nhiệm vụ tại 3 trường học; hạn chế trong công tác quản lý học viên tại Trung tâm giáo dục thường xuyên- hướng nghiệp huyện. Các ý kiến thuộc trách nhiệm của huyện đã được lãnh đạo UBND huyện tiếp thu, báo cáo giải trình, đề xuất giái pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2021- 2026 Thường trực HĐND tỉnh đặc biệt chú trọng đổi mới hoạt động của HĐND các cấp, trong đó có đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri. Đây là lần đầu tiên Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề và thống nhất lựa chọn lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lĩnh vực quan trọng mang tính “Quốc sách hàng đầu” với mong muốn đại biểu HĐND các cấp, cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, ngành Giáo dục, cử tri và Nhân dân có cái nhìn tổng thể, khách quan về thực trạng công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh hiện nay; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề nghị chính đáng để có giải pháp giải quyết, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo của tỉnh. Thay mặt đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri, đồng chí làm rõ một số kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh, đồng thời ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị của cử tri để chuyển cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng chí cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền, ngành Giáo dục- đào tạo của huyện làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong chăm sóc, giáo dục học sinh. Mỗi người hãy thực hiện tốt nhất chức trách, vai trò đang đảm nhiệm, góp phần đưa công tác giáo dục- đào tạo của huyện Hàm Yên cũng như của cả tỉnh ngày càng phát triển./.