Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội nghị về PCCC tại điểm cầu Tuyên Quang

Sáng 5-11, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dự chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang.


Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang.

Thời gian qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Tuy nhiên, còn một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện thiếu quyết liệt, nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục kịp thời, các nguy cơ cháy, nổ còn rất lớn, để xảy ra các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy nhà ở nhiều căn hộ.

Cụ thể từ 15/12/2022 đến ngày 15/10/2023, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó: 1.616 vụ cháy, 1.311 vụ sự cố cháy), làm chết 134 người, làm bị thương 101 người, tài sản ước tính thiệt hại gần 230 tỷ đồng và 207 ha rừng; xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 18 người. So với 10 tháng đầu năm 2022, số vụ cháy và sự cố cháy giảm 1.367 vụ (giảm 31,8%), tăng 36 người chết và tăng 22 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm gần 338 tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do pháp luật về PCCC chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội trong tình hình mới, cơ sở hạ tầng, giao thông lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp, không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC và CNCH chưa được đầu tư phát triển đúng tầm...


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Tại tỉnh Tuyên Quang, công tác PCCC đã được coi trọng. Toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng trên 350 mô hình Tổ liên gia an toàn PCC, Điểm chữa cháy công cộng. 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với trên 28.600 lượt cơ sở, phạt hành chính 46 cơ sở vi phạm với tổng gần 800 triệu đồng; xây dựng 220 phương án chữa cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng công an đã tổ chức hoạt động trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH cho trên 17.000 lượt người tham gia ở cấp tỉnh, huyện và xã.

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân tồn tại và đề xuất giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực tổ chức kiểm tra an toàn PCCC chung cư, nhà ở nhiều căn hộ; hướng dẫn kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố; chấn chỉnh hoạt động quản lý cấp phép, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng đáp ứng các yêu cầu về PCCC và CNCH…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác PCCC và CNCH phải dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia tích cực của nhân dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển của đất nước.

Đồng chí đề nghị thủ trưởng các bộ, ngành, các địa phương nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đưa ra những giải pháp căn cơ để thực hiện hiệu quả công tác PCCC trong tình hình mới.

Các bộ, ngành, địa phương cần sớm khắc phục những nguyên nhân, hạn chế, tồn tại đã được chỉ rõ và có giải pháp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc trong thực hiện công tác PCCC và CNCH; bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp, các ngành phải sớm hoàn thiện những quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng về PCCC và CNCH cho nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những vi phạm liên quan đến PCCC và CNCH.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục