Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố.
Đồng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Công.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, kinh tế của tỉnh luôn giữ được đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm năm 2021 đạt 6,72%, năm 2022 đạt 8,66%, riêng quý I-2023 đạt 8,42%, đứng đầu trong 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc.
Hiện toàn tỉnh có 1.792 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước là 476 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 43 triệu USD, bằng 28,7% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ; thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển ổn định. Đến ngày 30-4, toàn tỉnh đã giải ngân đạt 12,4% kế hoạch vốn đầu tư công.
Tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Tuyên Quang - Hà Giang; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; đường từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm; Trường THPT Chuyên Tuyên Quang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh...
Về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 28 cuộc thanh tra, kết thúc 20 cuộc thanh tra đối với 31 đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế 7,24 tỷ đồng, kiểm điểm đối với 5 tổ chức và 51 cá nhân có sai phạm.
Lãnh đạo Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Công.
Tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, đề xuất với Chính phủ một số vấn đề cần giải quyết kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Trong đó, sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai để tỉnh triển khai thực hiện; xem xét hàng năm hỗ trợ từ nguồn kinh phí Trung ương cho tỉnh thực hiện công tác xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương cho các địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn như tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030”...
Các thành viên trong đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề tỉnh cần quan tâm để góp phần tháo gỡ các khó khăn trên địa bàn, tập trung vào việc bổ sung các nguồn vốn cho các dự án; một số quy định, thể chế liên quan đến đất đai, công tác giải phóng mặt bằng; việc cải thiện chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức…
Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 9%. Chính vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với sự nỗ lực của tỉnh, Chính phủ đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách cũng đã giúp tỉnh giải quyết một số vướng mắc khi thực hiện các chương trình, dự án.
Thẳng thắn nhìn nhận, phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Do vậy rất cần một số chính sách từ Chính phủ để tháo gỡ và khơi thông các điểm nghẽn, đặc biệt ở lĩnh vực đất đai, triển khai các dự án giao thông và giải ngân vốn đầu tư công... Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, đoàn công tác sẽ ghi nhận những đề xuất của tỉnh để trình Chính phủ tháo gỡ, đồng thời đề nghị UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của đoàn công tác để điều hành tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã biểu dương, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực cuả tỉnh trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là bám sát quan điểm điều hành và các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai tổ chức thực hiện toàn diện, hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tuyên Quang cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và thực hiện của các dự án ngoài ngân sách; quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (thực tế hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đang thấp hơn mức trung bình chung của cả nước).
Trước tình hình khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước là 6,5%, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn theo đúng tinh thần, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 11, Nghị quyết số 58 của Chính phủ và Công điện số 238 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Công.
Trong đó, tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cả trong đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sớm thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang, Đoàn công tác ghi nhận đưa vào nội dung báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm có chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.