Toàn cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến các huyện, thành phố.
Khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, 9 tháng qua, việc thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như: hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, việc nâng cấp hệ thống thông tin về cải cách TTHC chưa đáp ứng yêu cầu, hạn chế về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nguồn nhân lực…
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện Quyết định số 766 về “Phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử”, tỉnh Tuyên Quang đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ số đạt cao như: tiến độ giải quyết TTHC, mức độ hài lòng của người dân…
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số còn thấp, chưa đạt kỳ vọng, như: số hóa hồ sơ, thanh toán trực tuyến, đánh giá TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến... Do vậy, hội nghị giao ban này mong muốn tiếp tục có thêm các giải pháp để triển khai thực hiện Đề án 06 và Quyết định 766 của Thủ tướng Chính phủ hiệu quả hơn.
Các đại biểu dự hội nghị.
Thực hiện Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành trên 60 kế hoạch, văn bản triển khai kịp thời, nghiêm túc, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ. Tính đến tháng 9/2023, Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 cấp tỉnh đã tổ chức 6 cuộc họp nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đưa ra phương hướng cũng như giải pháp khắc phục, đôn đốc riêng đối với các đơn vị đang chậm, muộn tiến độ.
Kết quả đến thời điểm hiện tại có 1.824 TTHC, trong đó cấp tỉnh 1.476 TTHC; cấp huyện 218 TTHC; cấp xã 130 TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC, quy trình nội bộ, liên thông TTHC.
Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đồng thời 100% các TTHC được hoàn thiện quy trình điện tử, tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp, thực hiện dịch vụ công (DVC) theo quy định. Có 388 TTHC đã được đơn giản hóa thông tin, tự động điền thông tin khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào biểu mẫu (E - form), đạt tỷ lệ 21,6%.
Tính đến ngày 30/9/2023 tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến của các DVC trực tuyến đạt 42,06% (tăng 18,2% so với 6 tháng đầu năm 2023). Trong đó, tính riêng tháng 9/2023, toàn tỉnh tiếp nhận 13.322/16.942, đạt 78,63%.
Lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án tại hội nghị.
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của tỉnh đến hết tháng 9/2023 đạt 30,64%, trong đó tỷ lệ số hóa hồ sơ đầu vào đạt 41,74%; tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 19,54%. Trong đó, tính riêng kết quả tháng 9/2023 đạt 79,46%, tỷ lệ số hóa hồ sơ đầu vào đạt 64,64%%; tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 94,29%.
Đến ngày 10/6/2023 đã hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã kích hoạt thành công tổng số 447.228 tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2; thu nhận 781.131 hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Sơn Dương.
Về kết quả công khai đối với Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tổng số điểm của tỉnh Tuyên Quang trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 58,52/100 điểm, đứng thứ 56/63 địa phương (tăng 3 bậc so với 6 tháng đầu năm 2023).
Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi, làm rõ hơn những kết quả đạt được, nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ TTHC; nâng cao tỷ lệ giao dịch qua môi trường điện tử, môi trường mạng...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, trong 9 tháng đầu năm mặc dù các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân chính của những tồn tại hạn chế thuộc về nhận thức, trách nhiệm điều hành của người đứng đầu; ở một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng thiếu tuân thủ kỷ luật hành chính; thiếu quyết tâm làm.
Lãnh đạo huyện Hàm Yên phát biểu tại hội nghị.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 tại cơ quan đơn vị mình; rà soát những tồn tại, hạn chế, những điểm nghẽn để khẩn trương khắc phục; tăng cường công tác quản lý, giám sát, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án, nhất là nâng cao hiệu quả thực chất các DVC trực tuyến, công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có sự phối hợp đồng bộ, không được cắt khúc công việc; tổ chức đánh giá toàn bộ các DVC trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia, để lựa chọn những DVC thiết thực, tần suất sử dụng cao gắn liền nhu cầu hàng ngày của người dân, doanh nghiệp, có đầy đủ các điều kiện để cung cấp DVC trực tuyến.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Na Hang.
Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện đôn đốc triển khai đồng bộ chặt chẽ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền về Đề án, nhất là những tiện ích để người dân được thụ hưởng từ Đề án. Sở Thông tin và Truyền thông rà soát các chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC để có giải pháp khắc phục những chỉ số thành phần yếu kém.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, Đề án 06 là một đề án lớn có tầm ảnh hưởng rộng, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nếu chúng ta không có sự quyết tâm, tâm huyết thì nhiệm vụ này khó có thể hoàn thành được yêu cầu đặt ra. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương phải thể hiện được quyết tâm theo tinh thần chiến dịch.