Tại Điều 79, Hiến pháp xác định rõ địa vị pháp lý và trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Theo đó, “(1) ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. (2) ĐBQH phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. (3) ĐBQH phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật”.
Cụ thể hóa quy định tại điều 79 của Hiến pháp, khoản 2 Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: “ĐBQH tiếp xúc cử tri (TXCT) ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH. ĐBQH tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, ĐBQH có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội; cử tri hoặc đại diện cử tri ở đơn vị bầu cử có thể góp ý kiến với ĐBQH tại hội nghị cử tri do Đoàn ĐBQH phối hợp với Ủy ban MTTQ và chính quyền địa phương tổ chức trong trường hợp cần thiết”.
Tại điều 80, Hiến pháp ghi nhận quyền chất vấn của ĐBQH đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cụ thể, Hiến pháp quy định: “ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà ĐBQH yêu cầu trong thời hạn luật định”. Thông qua hoạt động chất vấn, ĐBQH thể hiện trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri và Nhân dân, nhiều vấn đề bức xúc của cử tri được đại biểu đưa ra để tìm giải pháp khắc phục.
Tại Điều 82 của Hiến pháp năm 2013, ĐBQH có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu, có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
Thể chế hóa quy định trên của Hiến pháp, Điều 26 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định rõ ĐBQH có trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Cụ thể là: ĐBQH có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn ĐBQH; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. ĐBQH là thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng, Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban mà mình là thành viên. ĐBQH hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị ĐBQH chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập./.