Tham dự kỳ họp tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Đình Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh.
Đại biểu tham dự kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu Tuyên Quang. |
Tại phiên họp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục và đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các bộ, ngành liên quan.
Tham gia phiên chất vấn tại điểm cầu Tuyên Quang đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng chí Ma Thi Thúy cho rằng nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, 16 dân tộc rất ít người (dưới 10 nghìn người). Do xuất phát điểm khác nhau nên nhóm dân tộc này thường ở vùng sâu, vùng xa, trình độ phát triển không bằng nhóm dân tộc khác. Trong đó ở Tuyên Quang có dân tộc Pà Thẻn (còn gọi là dân tộc Thủy) sinh sống ở huyện Chiêm Hóa rất cần hỗ trợ có tính đặc thù. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ trưởng có những giải pháp như thế nào để hỗ trợ đồng bào có cuộc sống tốt hơn.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Ma Thi Thúy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Qua điều tra kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số các chỉ tiêu đối với nhóm dân tộc ít người đều đạt rất thấp. Do vậy, cần phải có những chính sách đặc thù để hỗ trợ riêng cho nhóm dân tộc thiểu số này. Trước đây Ủy ban Dân tộc cũng ban hành Quyết định 1672 về phát triển 4 dân tộc thiểu số rất ít người gồm: Mảng, Cống, La Hủ, Cờ Lao. Qua quá trình thực hiện cho thấy rất hiệu quả, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Trên cơ sở đó, Ủy ban Dân tộc tiếp tục tham mưu, ban hành Quyết định số 2086, ngày 31-10-2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với dân tộc thiểu số rất ít người, áp dụng cho giai đoạn 2016-2025.
Theo đó, quyết định này đầu tư trực tiếp cho 12 dân tộc ở 194 thôn thuộc 93 xã trên địa bàn 31 huyện của 12 tỉnh. Bên cạnh đó, quyết định này cũng đã xác định các hạng mục, đầu tư rất cụ thể với tổng mức đầu tư 1.860 tỷ đồng. Bộ cũng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tổng kết giai đoạn 2016-2018 để tiếp tục triển khai các chính sách cho giai đoạn tiếp theo trên cơ sở kết hợp với các chính sách dân tộc khác, nhằm giúp các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người đảm bảo các điều kiện phát triển ngang bằng với các dân tộc khác.
Ở tỉnh Tuyên Quang có dân tộc Pà Thẻn (trước đây gọi là dân tộc Thủy) sinh sống ở huyện Chiêm Hóa cũng là dân tộc nằm trong 16 dân tộc ít người nên sẽ được hưởng các chính sách chung đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Trong thời gian tới các chính sách tiếp tục được triển khai thực hiện một cách hiệu quả.