Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ký Chương trình phối hợp công tác, ban hành kế hoạch tiếp xúc cử tri trong cả nhiệm kỳ. Thực hiện việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri cũng như giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên (ngày 17/7/2023).
Địa điểm tiếp xúc cử tri được lựa chọn, lên lưới ngay từ đầu nhiệm kỳ, đảm bảo tất cả xã, phường, thị trấn và cơ bản các thôn, tổ dân phố đều được tiếp xúc cử tri, không trùng chéo địa bàn. Trước kỳ họp thực hiện tiếp xúc cử tri tại thôn, tổ dân phố, tạo thuận lợi cho mọi cử tri của thôn, tổ thuộc địa bàn đó được tham dự hội nghị, trình bày tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị với đại biểu HĐND. Sau kỳ họp tổ chức tiếp xúc cử tri tại trung tâm xã, phường, thị trấn, thành phần bao gồm cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội của xã, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn để tại đó đại biểu HĐND thông tin về kết quả kỳ họp, nội dung các nghị quyết đã được HĐND tỉnh quyết nghị, trên cơ sở đó các cử tri đại diện cho xã, thôn nắm, tuyên truyền, phổ biến đến cử tri và nhân dân nắm bắt, thực hiện.
Cùng với đó là việc đa dạng hoá nội dung, hình thức tiếp xúc, kết hợp tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 02 cấp (tỉnh, huyện), 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) hoặc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, huyện với cử tri cùng thời gian, địa điểm, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trước kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khoá XIX đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Thành phần cử tri gồm đại diện Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên- giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó nắm bắt thực trạng công tác giáo dục- đào tạo trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện tại cơ sở, những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị cũng như những đề xuất giải pháp của cử tri, trên cơ sở đó cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh xem xét, từng bước giải quyết, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục- đào tạo của tỉnh tiếp tục phát triển.
Quan tâm phát huy vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu HĐND trong tiếp xúc cử tri. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND trực tiếp trao đổi về những vấn đề cử tri kiến nghị. Nội dung trao đổi khách quan, thẳng thắn, chỉ tiếp thu các kiến nghị chính đáng, tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh các kiến nghị thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, Trung ương. Các nội dung giải quyết thuộc thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã được đại biểu HĐND tiếp thu, đề nghị huyện, xã xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo tổ đại biểu HĐND tỉnh để giám sát.
Cử tri kiến nghị với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Đối với những kiến nghị của cử tri cần xem xét, giải quyết, trả lời sớm, Đảng đoàn đã chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời ngay sau hội nghị tiếp xúc cử tri (công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án; xem xét hỗ trợ kinh phí, đồ bảo hộ cho các tổ Covid cộng đồng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về công tác vi phạm ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép…).
Qua theo dõi, các cuộc tiếp xúc cử tri đều thu hút được sự quan tâm của Nhân dân; cử tri tham dự đa dạng về thành phần, nghiêm túc, có nhiều ý kiến, kiến nghị với tính xây dựng cao; tương tác giữa cử tri và đại biểu cởi mở, dân chủ, công khai. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 261 điểm, chuyển 520 kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh giải quyết theo quy định.
Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thường xuyên, định kỳ
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, ngoài tổ chức giám sát trước các kỳ họp, hằng tháng Thường trực HĐND tỉnh đều lựa chọn nội dung, phân công các Ban của HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, báo cáo tại phiên họp định kỳ của Thường trực HĐND tỉnh.
Quang cảnh cuộc họp thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh về giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ năm. Ảnh Thu Hương.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh kịp thời kiến nghị UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết, bảo đảm tiến độ, chất lượng các kiến nghị chính đáng của cử tri. Trước các đợt tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh được cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri để báo cáo với cử tri tại buổi tiếp xúc.
Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được truyền hình trực tiếp trên sóng và Fanpage của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang điện tử, Trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Nội dung báo cáo toàn diện, thẳng thắn, chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân hạn chế, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; kiến nghị cụ thể giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc giải quyết, trả lời kiến nghị chính đáng của cử tri theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy việc đổi mới tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thực sự có hiệu lực, hiệu quả, được UBND tỉnh và các ngành, huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã rất tích cực, chủ động rà soát để giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, không chờ đến khi có văn bản yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Các kiến nghị có đủ điều kiện để giải quyết đều được giải quyết; các kiến nghị chưa có đủ điều kiện để giải quyết do chưa có nguồn lực đầu tư hoặc quy định của pháp luật, chính sách hiện hành chưa cho phép… đều được trả lời đầy đủ, kịp thời. Qua đó cử tri và Nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, tin tưởng vào hoạt động của HĐND tỉnh.
Nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới Đảng đoàn HĐND tỉnh xác định một số giải pháp để các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện, cụ thể:
Một là, Thường trực HĐND cần phối hợp tốt với Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, các Tổ đại biểu HĐND để tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri theo quy định; trong đó chú ý xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm và trong từng đợt để đại biểu và các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị, thực hiện; chuẩn bị nội dung tài liệu sớm, đầy đủ, bảo đảm chất lượng; tiếp nhận và tổng hợp kịp thời, chính xác, đầy đủ kiến nghị của cử tri qua phản ánh của đại biểu, Tổ đại biểu để chuyển các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời, trong đó chú ý phân loại và thời hạn giải quyết cụ thể, phù hợp đối với từng loại ý kiến; có biện pháp để chuyển tải được kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan chức năng đến cử tri, nơi có kiến nghị của cử tri.
Hai là, cần tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, những vấn đề bức xúc ở địa phương, từ đó thu hút được nhiều ý kiến đóng góp thực chất, sát với đời sống cơ sở, sự quan tâm, kỳ vọng của người dân. Cùng với đó, Thường trực HĐND, các Tổ và đại biểu HĐND thường xuyên đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; coi trọng việc giám sát theo chuyên đề, theo đợt và thảo luận về báo cáo kết quả giám sát trình trước các kỳ họp HĐND; đồng thời cần tăng cường hơn sự giám sát trực tiếp của đại biểu và Tổ đại biểu.
Ba là, bên cạnh thực hiện tiếp xúc cử tri theo kế hoạch, cần chủ động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, làm việc hoặc trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với cử tri; trong tiếp xúc cử tri chú ý kỹ năng thuyết trình, truyền tải nội dung ngắn gọn, xúc tích, trọng tâm, đồng cảm với tâm lý, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri…; tích cực nghiên cứu chính sách, pháp luật, hiểu biết về mọi lĩnh vực; tìm hiểu về thành phần tham dự buổi tiếp xúc, các vấn đề liên quan đến địa bàn tổ chức tiếp xúc, cử tri quan tâm, những kiến nghị từ các kỳ tiếp xúc trước và kết quả giải quyết, trả lời…để giải thích các vấn đề thuộc về chính sách, pháp luật, những vụ việc đã được cấp có thẩm quyền giải quyết.
Bốn là, Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải cử lãnh đạo, cán bộ có năng lực, thẩm quyền dự và trả lời các kiến nghị của cử tri. Tiếp thu và giải quyết, trả lời bằng văn bản các kiến nghị của cử tri; trong đó đặc biệt chú ý giải quyết ngay những nội dung, vấn đề đã đủ cơ sở, điều kiện giải quyết, hoặc cần giải quyết ngay để tránh phát sinh trở thành vụ việc phức tạp, bức xúc. Đồng thời nghiên cứu để có biện pháp phù hợp với các kiến nghị cần có thời gian, nguồn lực và chính sách cụ thể.
Năm là, Cử tri cần nêu cao tinh thần làm chủ thông qua đại diện là đại biểu Hội đồng nhân dân do mình bầu ra; thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri; tham gia và chấp hành nghiêm túc quy định tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu; kiến nghị, phản ánh chính xác, trung thực với tinh thần xây dựng; tiếp nhận kết quả trả lời và phản ánh lại những nội dung mình thấy chưa thỏa đáng, hoặc chậm được giải quyết, trả lời...
Sáu là, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, chính quyền và các cơ quan nhà nước trong triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri, thông báo rộng rãi đến cử tri về thời gian, địa điểm tổ chức tiếp xúc cử tri để cử tri biết và tham dự, tránh việc thông báo không đầy đủ hoặc hạn chế thành phần, số lượng cử tri đến dự tiếp xúc cử tri; làm tốt vai trò chủ trì, điều hành buổi tiếp xúc cử tri; tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến kiến nghị của cử tri, gửi Thường trực HĐND và các cơ quan liên quan theo quy định…