Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 xem xét thông qua 38 nghị quyết về đảm bảo các quy định và điều kiện hoạt động của HĐND các cấp; về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2022; về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh để triển khai các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội và quy định chi tiết việc áp dụng một số chính sách của Trung ương về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, các nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển du lịch; thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ; xây dựng và sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, là những nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện 03 khâu đột phá, 05 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Đại biểu dự kỳ họp. |
Các nghị quyết trình kỳ họp đã được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, thảo luận. Đối với nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2020; các đại biểu Tăng Thị Dương, Hà Đình Khiêm - Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị cơ quan chuyên môn làm rõ thêm kết quả chi thường xuyên ngân sách địa phương; kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và thực hiện các nhiệm vụ khác để phòng, chống dịch COVID - 19 trên địa bàn tỉnh. Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính đã làm rõ kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh và việc bố trí kinh phí bổ sung cho các các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19 từ Quỹ Dự trữ tài chính.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình |
Các đại biểu HĐND tỉnh cơ bản đồng tình, nhất trí với nội dung 02 dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố và ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2022 - 2025. Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình - Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang đề nghị cơ quan chuyên môn làm rõ căn cứ xây dựng, phân bổ định mức sự nghiệp môi trường đối với thành phố Tuyên Quang trong giai đoạn 2022 - 2025. Đồng chí Hà Trung Kiên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong dự thảo nghị quyết đã ưu tiên kinh phí cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, tuy nhiên chưa thể đảm bảo đủ kinh phí giải quyết các nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, xử lý bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và các hoạt động môi trường khác của thành phố Tuyên Quang; vì vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức tư nhân tham gia đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, giảm tải cho ngân sách Nhà nước.
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 nên có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu chiến lược tài chính đến năm 2025. Nghị quyết quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022 được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán bảm đảm phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh; mục tiêu Đề án phát triển nguồn thu và cường quản lý ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2021-2025; theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 12,4% so với ước thực hiện năm 2021; tăng 14,2% so với dự toán Bộ Tài chính giao.
Đại biểu Nguyễn Vũ Linh. |
Thảo luận về nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Vũ Linh - Tổ đại biểu huyện Hàm Yên quan tâm tới kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện Đề án xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết: Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022 đã tích cực cơ cấu lại chi ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, đã thực hiện bổ sung vốn đầu tư từ nguồn chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đối với vốn chương trình nông thôn mới ngân sách Trung ương phân bổ được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, trọng tâm, trọng điểm và bền vững.
Đại biểu Nguyễn Thiện Tuyên |
Về các dự thảo nghị quyết Quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương và vốn ngân sách trung ương, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương và vốn ngân sách trung ương năm 2022 được đại biểu Nguyễn Thiện Tuyên đồng tình, nhất trí cao với nội dung dự thảo nghị quyết và đề nghị cơ quan soạn thảo nêu giải pháp đảm bảo tiến độ giải ngân và đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025; việc bố trí kế hoạch vốn theo nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của trung ương và của tỉnh để thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nghị quyết được xây dựng đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 30/12/2020 của HĐND tỉnh Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 của tỉnh và các quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo. |
Về nghị quyết phê duyệt tổng số lượng người làm việc, chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội của tỉnh năm 2022; đại biểu Tiêu Thị Hương - Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang đề nghị cơ quan chuyên môn làm rõ thêm căn cứ điều chuyển số lượng người làm việc và khả năng đáp ứng nhiệm vụ của ngành y tế năm 2022 khi thực hiện chuyển 369 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen và lĩnh vực khám chữa bệnh của 06 Trung tâm Y tế huyện sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị trong điều kiện hiện nay ngành y tế đang phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho biết căn cứ vào mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chuyển đổi người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen và lĩnh vực khám chữa bệnh của 06 Trung tâm Y tế huyện sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, trong đó có 271 người tinh giản biên chế theo chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao, còn lại điều chuyển sang các đơn vị thiếu, các cơ sở giáo dục mầm non nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi chưa thực hiện tinh giản biên chế.
Đại biểu Trần Văn Tú - Tổ đại biểu Chiêm Hoá thảo luận về một số thay đổi trong dự thảo Nghị quyết quy định mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường áp dụng trên địa bàn tỉnh so với Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 của HĐND tỉnh. Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi, làm rõ thêm, về việc bãi bỏ 02 loại phí là phí thẩm định Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và phí thẩm định Đề án xả nước thải vào nguồn nước do thực hiện quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022) không quy định phí thẩm định Đề án xả nước thải vào nguồn nước, thay vào đó quy định phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí thẩm định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường áp dụng trên địa bàn tỉnh (dự kiến trình kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh).
Đối với Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các đại biểu HĐND tỉnh đồng tình, thống nhất cao nội dung, mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo nghị quyết. Đại biểu Đàng Thị Hiền, Tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình quan tâm tới việc quyền lợi của các đối tượng được thụ hưởng chính sách; đại biểu Phạm Thị Minh Xuân - Tổ đại biểu Yên Sơn đề nghị làm rõ căn cứ quy định điều kiện hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch chỉ áp dụng cho các huyện Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình. Đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nhằm thực hiện các khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch được quy định trong dự thảo nghị quyết đã cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Với mục tiêu hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Lâm Bình, Sơn Dương, Na Hang; đây là loại hình du lịch gắn với đời sống của người dân với các dịch vụ: Du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, văn hóa…
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết bằng máy tính bảng. Ảnh: Tâm Phạm. |
Thảo luận Nghị quyết quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, đại biểu Phạm Kiều Trang - Tổ đại biểu Chiêm Hoá đề nghị xem xét, bổ sung chính sách thu hút một số ngành học có tính chất chuyên môn tương đồng với các ngành học trong danh mục các ngành nghề thu hút của dự thảo nghị quyết nhưng được đào tạo trình độ đại học, sau đại học ở nước ngoài để tạo môi trường làm việc tốt để những người có trình độ cao sau khi được thu hút về địa phương công tác phát triển được khả năng, trình độ chuyên môn được đào tạo. Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ đã tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu và làm rõ thêm, do hiện nay, chưa có đủ căn cứ và cơ sở thực tiễn nên chưa đưa các ngành học như đại biểu tham gia vào dự thảo nghị quyết; thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành danh mục các ngành nghề thu hút nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Tại các phiên họp của kỳ họp thứ ba, đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022 và các dự thảo nghị quyết khác theo chương trình kỳ họp. Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này là những nghị quyết rất quan trọng, là cơ sở cho việc triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021- 2025 nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của pháp luật, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.