Tại phiên họp nội bộ, các đại biểu đã biểu quyết thống nhất thông qua các Nghị quyết về: Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2024; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về phát triển lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 - 2022; Nghị quyết về Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2023 - 2026 của HĐND tỉnh.
Chủ tọa kỳ họp.
Tại phiên họp chính thức, các nghị quyết trình kỳ họp đã được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, thảo luận sôi nổi. Với tinh thần nghiêm túc, đã có 10 lượt đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương trình bày dự thảo Nghị quyết.
Nhằm thực hiện một trong năm nhiệm vụ trọng tâm quan trọng giai đoạn 2020-2025 của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra về ‘‘Phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường”, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận đối với Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 20 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Đại biểu Phạm Thị Kiều Trang.
Đại biểu Phạm Thị Kiều Trang, tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ người được hưởng chính sách thu hút có được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học hay không; các đối tượng được quy định tại các phụ biểu có trùng nhau hay không và làm rõ mức hỗ trợ đối tượng đạt thành tích cao tại các kỳ thi. Đại biểu Lý Thu Hương, tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề nghị cơ quan làm rõ thêm về đối tượng áp dụng, mức hỗ trợ thuê nhà ở đối với nguồn nhân lực được thu hút. Đồng thời đề nghị, ngay sau khi nghị quyết được thông qua cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Quang Thắng trả lời câu hỏi của đại biểu.
Phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Quang Thắng cho biết, đây là nghị quyết khó, cần có chính sách để thu hút và cần sửa đổi định kỳ để phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Khi soạn thảo Nghị quyết Sở Nội vụ đã phối hợp với các ngành liên quan, tham vấn năm tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng đã được thu hút. Các đối tượng nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết đã được hưởng chính sách thu hút vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học. Tại biểu số 2 các đối tượng được quy định là khác nhau, nếu đối tượng đáp ứng điều kiện ở nội dung nào thì hưởng theo nội dung đó. Đối với mức hỗ trợ nhà ở theo từng đối tượng được căn cứ theo Nghị quyết, chính sách của tỉnh và căn cứ theo thực tiễn tại địa phương. Đồng chí khẳng định, ngay sau khi Nghị quyết ban hành, ngành sẽ tham mưu với UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả.
Kết quả biểu quyết dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ sáu. Ảnh Đức Mạnh.
Các đại biểu HĐND tỉnh cũng bày tỏ sự đồng tình cao đối với 02 nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh và Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và mức chi trả cho đối tượng miễn, giảm học phí, mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục năm học 2023 - 2024; tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường công lập có cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh. Đây là 02 nghị quyết được xây dựng nhằm triển khai thực hiện các nội dung được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 và Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ, có ý nghĩa rất quan trọng, tác động, ảnh hưởng tới đông đảo gia đình, học sinh và giáo viên, đồng thời cũng giải quyết nhiều vấn đề mà cử tri có kiến nghị trong đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục - đào tạo trước kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh, làm cơ sở để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Vũ Linh.
Đại biểu Nguyễn Vũ Linh, tổ đại biểu huyện Hàm Yên đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về phương án chi trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí tại Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ. Vấn đề đại biểu quan tâm đã được đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình, làm rõ, theo đó: đối với các học sinh tiếp tục theo học tại các trường thì khấu trừ vào năm học tiếp theo; đối với các học sinh chuyển trường, đã ra trường thì thực hiện hoàn trả trực tiếp số tiền cho học sinh. Ngành cũng sẽ xây dựng thời gian chi trả cụ thể, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chi trả đảm bảo công khai, minh bạch, đúng và đầy đủ các đối tượng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang trình bày dự thảo Nghị quyết.
Về Nghị quyết Quy định mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, đại biểu Lý Đỗ Thành Quang, tổ đại biểu Thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm cơ sở xác định số người tối đa trong dự thảo để thực hiện chi hỗ trợ. Làm rõ vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên cho biết, cơ sở xây dựng dự thảo Nghị quyết dựa theo phân cấp của Trung ương và theo Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Mức chi được vận dụng theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 6/12/2017 của HĐND tỉnh về việc quy định chế độ chi công tác phí, chế độ chi hội nghị, chế độ chi tiếp khách áp dụng trên địa bàn tỉnh và các văn bản chế độ chính sách hiện hành có liên quan. Số lượng người quy định theo dự thảo nghị quyết được xác định dựa trên thành phần số lượng người thực tế thực hiện các dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn trình bày dự thảo Nghị quyết.
Quan tâm tới nghị quyết Nghị quyết Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 vốn ngân sách địa phương, tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh không đồng tình bổ sung danh mục dự án vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đối với dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Giải trình, làm rõ hơn vấn đề này, đồng chí Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết ngành sẽ tiếp thu và đưa dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh ra khỏi nghị quyết, đồng thời ngành sẽ phối hợp với ngành Tài chính xem xét, điều chỉnh lại để đảm bảo phù hợp.
Để thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 14/3/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý hành chính Nhà nước, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết, đồng tình cao với Nghị quyết Thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Để làm rõ hơn về căn cứ, lý do để xây dựng các nội dung phân cấp đối với cấp huyện, cấp xã, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo ý kiến của đại biểu Phạm Thị Kiều Trang, tổ đại biểu Chiêm Hóa, đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết ngành đã áp dụng Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ để tham mưu xây dựng các nội dung phân cấp được quy định tại dự thảo nghị quyết.
Các đại biểu dự kỳ họp.
Thảo luận về nhóm các nghị quyết liên quan tới thực hiện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang, tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình đề nghị cơ quan soạn thảo nghị quyết Bổ sung danh mục các dự án thực hiện thu hồi đất năm 2023 theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh làm rõ khả năng thực hiện 106 công trình, dự án trong 6 tháng cuối năm 2023. Về nghị quyết Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh đại biểu Quan Văn Duyên, tổ đại biểu Chiêm Hóa đề nghị làm rõ số hộ gia đình bị ảnh hưởng sau khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt cho biết, ngành sẽ cùng các chủ đầu tư, các huyện thành phố đẩy nhanh tiến độ các công trình sau khi nghị quyết được thông qua. Đối với dự thảo Nghị quyết Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, đồng chí cho biết không có hộ nào phải di chuyển nhà ở, các hộ bị ảnh hưởng khi thực hiện chuyển đổi sẽ được hỗ trợ các nội dung theo quy định của pháp luật.
Quang cảnh phiên họp (chiều ngày 6/7/2023).
Bên cạnh việc phân tích, làm rõ một số nội dung tại nghị quyết Quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025, đại biểu Trần Giang Nam, tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, sau khi được ban hành, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết; kịp thời phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trung hạn ở cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc và phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 3 Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 HĐND tỉnh; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh…
Kết quả biểu quyết dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ sáu. Ảnh Đức Mạnh.
Các nghị quyết quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 03 dự án đầu tư (bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt tập trung công nghệ cao tại xã Xuân Quang và Dự án trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao tại xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa; dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế, huyện Sơn Dương) được lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo sát sao của Thường trực HĐND tỉnh về thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ sáu HĐND khóa XIX, Ban đã trực tiếp đi giám sát thực tế tại các địa phương có dự án được đầu tư, kết quả khảo sát cho thấy diện tích để thực hiện 03 dự án này không sử dụng đất rừng tự nhiên và không có đối tượng phải chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt cũng phát biểu làm rõ: Dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt tập trung công nghệ cao tại xã Xuân Quang và Dự án trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao tại xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, theo đó nước thải sẽ được thu gom và xử lý đảm bảo theo đúng quy chuẩn. Các ý kiến phát biểu trên là những căn cứ quan trọng để đại biểu xem xét, biểu quyết, nhất trí thông qua 03 dự thảo nghị quyết với tỷ lệ tán thành rất cao.
Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ sáu. (sáng ngày 7/7/2023). Ảnh Đức Mạnh.
Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng khác về: Quy định nội dung, mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy; người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đối tượng quản lý sau cai nghiện ma túy tại cấp xã trên địa bàn tỉnh; Về việc không thực hiện dự án Mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang (giai đoạn 2); Phê duyệt số lượng hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh năm học 2023 - 2024; Bãi bỏ một phần và khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 14 tháng 3 năm 2022 của HĐND tỉnh quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ; mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh; Quy định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Quy định mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XIX là những nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 cũng như của cả giai đoạn 2021-2025, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của pháp luật, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./.