Các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp |
Dưới sự điều hành của các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phiên thảo luận thông qua các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh diễn ra sôi nổi, nghiêm túc. Đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, tích cực.
Đại biểu Đàm Thanh Hương, Tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình |
Về Nghị quyết danh mục công trình, dự án thu hồi đất và danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh, đại biểu Đàm Thanh Hương, Tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình bày tỏ sự đồng, tình nhất trí cao với việc bổ sung danh mục các công trình, dự án. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cho biết trong tổng số công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất có bao nhiêu công trình, dự án trước đây đã có trong danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện và tiếp tục đưa vào danh mục lần này. Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Trong số các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lần này không có công trình, dự án nào đã thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong số 226 công trình, dự án thu hồi đất tại dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, có 11 dự án đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng đến nay rà soát lại đề nghị bổ sung thêm diện tích thu hồi để đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện các công trình, dự án trong năm 2021.
Thảo luận Nghị quyết quy định phụ cấp hằng tháng đối với thôn đội trưởng và mức trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân khi làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh được đại biểu Đàng Thị Hiền, Tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình quan tâm và đề nghị cơ quan soạn thảo trao đổi, làm rõ thêm khả năng cân đối nguồn ngân sách tỉnh để đảm bảo kinh phí cho những năm tiếp theo khi thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở; việc thực hiện phụ cấp kiêm nhiệm đối với chức danh Thôn đội trưởng. Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, đồng chí Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên cho biết ngành đã có tính toán và sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cân đối nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện nghị quyết bảo đảm vừa đúng Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ vừa phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh; về việc thực hiện kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách xã, thôn được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 30/12/2020 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019.
Đối với dự thảo Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình thủy lợi hồ Cao Ngỗi: Đây là công trình đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 với tổng mức đầu tư dự kiến là 265 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương, thời gian thực hiện từ năm 2020- 2024; đến nay đã thực hiện xong công tác khảo sát địa hình, địa chất, thuỷ văn công trình. Do việc bố trí nguồn vốn hết sức khó khăn, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, ngày 04/5/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án này. Nguồn vốn đầu tư dự kiến dùng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và các nguồn vốn hợp pháp khác. Do đó, các đại biểu HĐND tỉnh nhất trí cao thông qua dự thảo nghị quyết làm căn cứ để Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Đại biểu Trần Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên. |
Thảo luận Nghị quyết bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đại biểu Trần Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương cơ bản nhất trí với dự thảo nghị quyết và đề nghị làm rõ về khả năng đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là cung ứng vật liệu cho các công trình trọng điểm của tỉnh triển khai trong thời gian tới; sản lượng khai thác đến thời điểm kết thúc năm 2020 so với quy hoạch tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 của HĐND tỉnh; kết quả đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh và thực hiện giải quyết lao động, việc làm trong thời gian qua. Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sau các lần quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 48 mỏ với tổng diện tích là 438,6 ha; từ năm 2018 đến hết năm 2020, sản lượng khai thác thực tế đá, cát sỏi ... cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng, giao thông, đô thị, đặc biệt là các công trình trọng điểm của tỉnh; tạo nguồn thu ngân sách tỉnh trên 311 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 1.140 lao động.
Một trong những dự thảo nghị quyết nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được nhân dân tích cực tham gia thực hiện, tạo nguồn vốn cho nhiều hộ dân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư; nhiều chính sách đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng, duy trì và giữ vững được tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh; thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, đến nay một số chính sách đã triển khai thực hiện trong một thời gian khá dài, có chính sách nội dung không còn phù hợp với quy định hiện hành; có chính sách đã hết giai đoạn thực hiện; có chính sách hiệu quả không cao, không đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết mới để sửa đổi, bổ sung và thay thế các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành là cần thiết, phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Đào Thị Mai, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương. |
Do có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng thụ hưởng, thiết thực, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp nên nghị quyết này được các cử tri, nhân dân hết sức quan tâm và đại biểu HĐND tỉnh thảo luận sôi nổi. Đại biểu Đào Thị Mai, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương thảo luận các chính sách được tích hợp trong dự thảo nghị quyết về điều kiện hỗ trợ nuôi cá đặc sản, hỗ trợ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, hỗ trợ ghép cải tạo giống cây ăn quả. Đại biểu Phạm Ninh Thái, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề nghị cơ quan tham mưu cho biết thêm khả năng cân đối các nguồn lực của tỉnh để thực hiện các chính sách và mong muốn sau khi nghị quyết ban hành sớm có hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính thực hiện từng chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân (nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo) được tiếp cận chính sách được sớm nhất, thuận lợi nhất.
Đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương. |
Đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị làm rõ hơn về điều kiện, khả năng hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các chủ trang trại; chính sách hỗ trợ các Hợp tác xã thành lập mới để đảm bảo sự thống nhất, thuận lợi trong thực hiện. Đại biểu Sầm Văn Dinh, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy, dây chuyền sản xuất chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị hàng hoá, sản phẩm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản của huyện Hàm Yên. Đại biểu Vân Đình Thảo, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên cho biết qua đánh giá kết quả thực hiện hỗ trợ Hợp tác xã thành lập mới năm 2019, 2020 cho thấy các Hợp tác xã rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời, làm rõ thêm thực trạng hiện nay, một số diện tích cây ăn quả của tỉnh đã trồng lâu năm, cho năng suất, chất lượng thấp; trong quá trình xây dựng chính sách, Sở tham khảo một số địa phương đã thực hiện ghép cải tạo vườn cây ăn quả bằng các giống mới có năng suất, chất lượng tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây trồng, tiết kiệm chi phí đầu tư đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để chủ rừng kéo dài tuổi rừng từ 7 năm tuổi lên trên 10 năm tuổi thành rừng gỗ lớn, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của rừng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. Đối với chính sách hỗ trợ chủ trang trại, đến nay toàn tỉnh có 358 trang trại có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí kinh tế trang trại; để đảm bảo thực hiện các chính sách hiệu quả, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hướng dẫn trình tự để các tổ chức, cá nhân được tiếp cận chính sách thuận lợi, hiệu quả nhất. Cùng trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, đồng chí Giám đốc Sở Tài chính cho biết thêm trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách tỉnh đã bố trí 98,4 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP; đối với giai đoạn 2021 - 2025, mức khái toán kinh phí tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh cân đối các nguồn để đảm bảo vừa thực hiện có hiệu quả các chính sách vừa hoàn thành các mục tiêu của Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời ý kiến của đại biểu. |
Trên cơ sở thảo luận dân chủ, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, HĐND tỉnh đã thống nhất các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp được xây dựng đảm bảo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với nguồn lực của địa phương, được cử tri và nhân dân trong tỉnh đồng tình. Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025 nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của pháp luật, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.