Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận nhiều nội dung quan trọng về lĩnh vực kinh tế tại kỳ họp thứ bảy Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX

Ngày 06/12/2022, theo nội dung, chương trình đã thông qua, kỳ họp thứ bảyHội đồng nhân dân tỉnh tiến hành thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2024.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì điều hành phiên thảo luận; chủ toạ kỳ họp còn có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.


Các đại biểu dự kỳ họp.

Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX; lãnh đạo các Ban đảng Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Thường trực Hội đồng nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp qua Đài Phát thanh và  Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang, Trang thông tin điện tử Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm. Đã có 27 đại biểu đăng ký thảo luận; 22 đại biểu phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường; 06 đại biểu lãnh đạo sở, ngành và đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hoàng Việt Phương phát biểu ý kiến. Các ý kiến thảo luận thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2023 đồng thời phân tích hạn chế và đề xuất biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn theo từng lĩnh vực, nhóm vấn đề trọng tâm:


Đại biểu Nông Thị Bích Huệ, tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình.

 Về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, đại biểu Phạm Kiều Trang, tổ đại biểu Chiêm Hoá, đại biểu Nguyễn Vũ Linh, Tổ đại biểu Hàm Yên, đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương phát biểu, đồng tình đánh giá cao những kết quả quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng của tỉnh. Năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực, sự đồng tình, ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm tăng (GRDP) đạt 7,46%, xếp thứ nhất trong 11 tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 02/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc và xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố. Nhiều chỉ tiêu vượt so với cùng kỳ, trong đó: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,7%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định trên 4,6%; Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng 12,8%. Các đại biểu đã nêu một số vấn đề còn hạn chế, khó khăn, cần tiếp tục quan tâm thực hiện như: Giá trị tăng trưởng khu vực công nghiệp, một số khoản thu ngân sách không đạt so với dự toán giao; phát triển và hoạt động một số doanh nghiệp còn hạn chế; một số chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu chưa đạt kế hoạch. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo và thực hiện một số giải pháp về: Giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình, dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án, chương trình đã đảm bảo các quy trình, thủ tục theo quy định thuộc thẩm quyền; chủ động xây dựng quy hoạch và hoàn thiện quy hoạch chi tiết hạ tầng các khu dân cư để thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất. Tập trung các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp đồng bộ đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, nhất là sau khi tuyến đường cao tốc Tuyên Quang Phú Thọ được đưa vào sử dụng. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng: đề nghị mở rộng tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn vốn tín dụng; cơ cấu và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) để góp phần thực hiện có hiệu quả giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.


Đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương phát biểu.

 Về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đại biểu Nông Thị Bích Huệ, Tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình, đại biểu Nông Thị Hồng Nhung, tổ đại biểu Hàm Yên, đại biểu Đàng Thị Hiền, tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình, đại biểu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu Sơn Dương...đều đánh giá kết quả đạt được, phân tích khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc triển khai, đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Qua nghiên cứu các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 cho thấy: Năm 2023, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh, các chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn bước đầu đạt được một số kết quả tích cực như: Kịp thời cụ thể, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Đề án, kế hoạch của Ủy ban nhân dân, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện; Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 4-5%/năm (tỷ lệ hộ nghèo từ 18,9% đầu năm 2023 xuống còn 14,09% cuối năm 2023, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng Dân tộc thiểu số từ 30,2% xuống còn 25%); thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Việc triển khai thực hiện, tiến độ thực hiện và giải ngân một số công trình, dự án rất chậm, mặc dù một số dự án, tiểu dự án không có khó khăn, vướng vướng về cơ chế, chính sách.  Việc thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1; tiểu dự án 1 Dự án 3 (kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu), nội dung 1 tiểu dự án 2, Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị); Nội dung 2, Tiểu dự án 2, Dự án 3 (Đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý); tiểu dự án 1 Dự án 4 (hỗ trợ phát triển giáo dục vùng nghèo, vùng khó khăn).... trên thực tế tại địa phương còn khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương hoặc có nội dung không phù hợp khi triển khai tại địa phương.

Về xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm về kết quả thực hiện nông thôn mới tại các xã về đích nông thôn mới năm 2022, 2023 tiến độ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn chậm. Việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn còn hạn chế, kết quả xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí về thu nhập, nghèo đa chiều, môi trường, an toàn thực phẩm, quốc phòng an ninh.

Trên cơ sở đó, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đề xuất một số giải pháp cụ thể: Xem xét về cơ chế ủy quyền hoặc phân cấp cho cấp huyện phê duyệt chủ trương đầu tư đối với công trình, dự án có tổng mức đầu tư dưới 30 tỷ; thực hiện giao vốn kế hoạch sớm ngay từ đầu năm để Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động thực hiện, đảm bảo tiến độ giải ngân; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện các chính sách đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả và đúng quy định;...


Đại biểu Ngụy Thu Thủy, Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang.

Về quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường, đại biểu Tạ Đức Tuyên và Phan Thị Mỹ Bình, Ngụy Thu Thủy (cùng Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang), Đỗ Thị Nhung, Tổ đại biểu Sơn Dương bày tỏ quan tâm sâu sắc về công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất; công tác vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải; trích đo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trên cơ sở phân tích khó khăn, hạn chế, vướng mắc, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp cụ thể: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân về ý thức, trách nhiệm trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thu gom, nộp chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; nghiên cứu, tính toán, xây dựng kế hoạch thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở thu đúng, thu đủ, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác trích đo địa chính đề làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai. Quản lý chặt chẽ, giải quyết việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn, ao trong cùng một thửa đất cho Nhân dân bảo đảm phù hợp kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, xử lý nghiêm trường hợp sử dụng đất trái phép theo quy định...


Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo phát biểu tại hội trường.

Trao đổi, làm rõ và giải đáp các nội dung mà đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, đề nghị, đại diện lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và môi trường phát biểu trao đổi, làm rõ một số nội dung về: Chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2023; các giải pháp thực hiện chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng năm 2024 tỉnh cần quan tâm thực hiện; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai dự án, công trình trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai thực hiện; công tác nghiệm thu, thanh toán dự án đo đạc địa chính thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất và thủ tục đầu tư công trình, dự án theo quy định; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt..


Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung kết luận phần thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận, đánh giá cao chất lượng hoạt động thảo luận tại kỳ họp. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đồng tình với những hạn chế, tồn tại đã nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan, báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, trên mỗi cương vị công tác mình, mỗi vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã phân tích sâu hơn một số hạn chế, khó khăn cụ thể trên các lĩnh vực cũng như ở từng địa phương, đề xuất các giải pháp khắc phục, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh luôn đồng hành cùng Ủy ban nhân dân tỉnh trong thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Các cấp, các ngành, địa phương quyết tâm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 9%, tập trung triển khai, hoàn thành các chương trình dự án theo kế hoạch; sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm việc quy hoạch điểm tập kết rác thải bảo đảm mỹ quan đô thị, hoàn chỉnh định mức đơn giá, số lượng thu gom rác thải để thực hiện tại các huyện, thành phố…

Thùy Linh
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục