Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ về phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 23-10, trong phiên thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận vào các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Video không hợp lệ

Cùng tham gia thảo luận ở Tổ 14 còn có các đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, Quảng Nam và Bình Thuận.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu bày tỏ đánh giá cao với những kết quả tích cực trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng có được những kết quả khả quan như vậy là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của người đứng đầu các bộ, ngành, những kết quả này cần tiếp tục được duy trì trong những tháng cuối năm 2018.


Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham gia thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên, qua báo cáo, một số đại biểu cho rằng nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm đó là tính ổn định, bền vững trong thu ngân sách đối với 3 khối là thu ngân sách Nhà nước, từ khối doanh nghiệp Nhà nước và từ khối doanh nghiệp FDI, nguồn thu từ những khối này đang cho thấy tính bền vững chưa cao. Có ý kiến cho rằng qua giám sát cho thấy, còn một số vấn đề tồn tại như: việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao. Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chính sách giảm nghèo vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm nghèo về thu nhập, chưa thực hiện được theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Đặc biệt vẫn còn tồn tại tình trạng giao vốn chưa đúng, chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Một số ý kiến khác thể hiện sự băn khoăn đối với mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ khó thực hiện khi số doanh nghiệp giải thể 9 tháng đầu năm tăng, cùng với đó là tình trạng chậm thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Công tác cổ phần hóa diễn ra rất chậm, số lượng các doanh nghiệp thua lỗ phá sản đã ảnh hưởng lớn tới bức tranh kinh tế nói chung.


Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận ở tổ về phát triển kinh tế - xã hội.

Từ thực tế phát sinh vướng mắc trong năm 2017 các đại biểu cho rằng Chính phủ cần có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2018 để khắc phục, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư đã giao nhưng không giải ngân hết để bố trí xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, không để chuyển nguồn lớn sang năm sau.

Chính phủ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp như bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò định hướng của Nhà nước. Cùng với đó là tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng; tích cực cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nâng cao năng lực quản trị quốc gia…

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục