1. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Tiếp tục đổi mới tuyên truyền sâu rộng đến mọi cán bộ, đảng viên và người dân về quan điểm, chủ trương, mục tiêu, tiêu chí NTM và cách làm hay, sáng tạo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thăm quan các mô hình điểm, các hình thức sinh hoạt cộng đồng...nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về XDNTM; phát huy cao độ vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; mỗi cơ quan, đoàn thể ở các cấp, các ngành đều phải có việc làm cụ thể, thiết thực về XDNTM, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị. Đề nghị Ủy ban MTTQ từ tỉnh đến cơ sở chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên tham gia XDNTM.
2. Công tác đào tạo, tập huấn: Hằng năm tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác XDNTM. Trên cơ sở nội dung, tài liệu đào tạo, tập huấn theo chương trình khung của Trung ương và căn cứ tình hình thực tế biên soạn thành những nội dung phù hợp với địa phương để triển khai công tác đào tạo, tập huấn.
3. Huy động nguồn lực: Tăng cường các giải pháp và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Thực hiện theo cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh liên quan đến phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn bao gồm: Vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình, từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã. Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn. Huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng theo ưu đãi của pháp luật. Các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân cho từng dự án, công trình, cụ thể do nhân dân tự bàn, quyết định và báo cáo với cấp ủy, chính quyền xã. Các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư. Nguồn vốn tín dụng. Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác.
4. Thực hiện nguyên tắc hỗ trợ vốn theo quy định tại Quyết định 695/QĐ-TTg, ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010-2020; Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2010-2020 và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh.
5. Huy động nhân dân tập trung phát triển kinh tế; thực hiện chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch của hộ gia đình, tự nâng cấp cải tạo hệ thống điện gia đình đạt chuẩn; vệ sinh đường làng ngõ xóm, bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực nông thôn.
6. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc tham gia tuyên truyền, thực hiện đóng góp xây dựng các hạng mục công trình công cộng và cải tạo khuôn viên gia đình, xắp sếp nơi ở gọn gàng, hợp vệ sinh; thực hiện nếp sống văn hóa...
7. Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định; chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác XDNTM; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.
Căn cứ nhiệm vụ được giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đến cấp xã để tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn./.