Minh chứng sinh động, thiết thực nhất

Cùng với “gia hạn” thời gian thực hiện cụ thể cho các đơn vị liên quan đến vấn đề giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang giao trách nhiệm cho từng Ban HĐND theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung kết luận tại phiên giải trình. Nhiều vấn đề đặt ra đã có chuyển biến tích cực ngay sau phiên giải trình; nhiều vấn đề được đeo bám đến cùng, khó khăn, vướng mắc được kịp thời được tháo gỡ… Đây là những minh chứng sinh động, thiết thực nhất cho hiệu quả của các phiên giải trình.

Chuyển biến rõ nét ngay sau phiên giải trình

Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã làm rõ thực trạng công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị; nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục và thời hạn giải quyết đối với các vấn đề còn nhiều tồn tại, hạn chế nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội được nhiều cử tri và Nhân dân quan tâm. Nhiều nội dung đã có chuyển biến tích cực ngay sau phiên giải trình.

Đơn cử, ngay sau phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến hết tháng 6.2022 (tháng 10.2022), UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo thực hiện giải pháp đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác trích đo địa chính thửa đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thông qua quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 12.12.2022 để Văn phòng Đăng ký đất đai được quyền hợp đồng với người lao động có đủ năng lực, trình độ chuyên môn…

Sau phiên giải trình về thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức họp và ban hành kết luận về thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên phổ thông các cấp, yêu cầu các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm việc thanh toán tiền dạy thêm thừa giờ cho giáo viên các trường phổ thông công lập trước ngày 30.9.2023.


Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp nghe giải trình về công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Ảnh: T. Phúc.

Hay ngay sau phiên giải trình về việc giải quyết, thi hành án các vụ án, vụ việc dân sự, vụ án hành chính liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh (tháng 11.2023), Tòa án nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số kiến nghị có chuyển biến tích cực. Đến ngày 31.5.2024, đã giải quyết xong 102 vụ việc/137 vụ việc, đang giải quyết 35/137 vụ việc có thời gian thụ lý từ 6 tháng đến dưới 5 năm theo kết luận kiến nghị; Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo và thực hiện thi hành xong 8/31 việc đã thụ lý có điều kiện thi hành nhưng kéo dài trên 1 năm với số tiền 2.143.789.000 đồng…

Kiên trì đôn đốc, giám sát việc giải quyết

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân, để có cơ sở giám sát những cam kết được thực hiện ra sao, chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào, trong Thông báo kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đưa ra thời hạn để cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện, nhất là với những vấn đề cần phải giải quyết kịp thời. Thường trực HĐND tỉnh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng Ban HĐND theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung kết luận tại phiên giải trình để bảo đảm các vấn đề nêu ra tại phiên giải trình được giải quyết.

Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà: Việc giải quyết thấu đáo các nội dung trong thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên giải trình sẽ giúp UBND tỉnh kịp thời đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, bất cập trong điều hành, quản lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Kết quả thực hiện kết luận phiên giải trình được theo dõi, tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh. Do đó, những vấn đề đặt ra được đôn đốc đến cùng; khó khăn, vướng mắc cũng kịp thời được tháo gỡ…

Điển hình, thực hiện kết luận sau phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh (tháng 10.2021) về việc giải quyết kiến nghị của cử tri các xã Năng Khả, Thanh Tương và thị trấn Na Hang, huyện Na Hang về đền bù đất, tài sản trên đất bị ngập úng trong vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa. Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã giám sát tại các cơ quan, đơn vị và một số hộ gia đình có đơn đề nghị. Kết quả, 77 hộ gia đình có đơn kiến nghị, UBND huyện Na Hang đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời từng hộ gia đình; đối với 110 hộ gia đình không có đơn (chỉ có tờ khai) và 2 tổ chức có kiến nghị, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Thanh Tương, Năng Khả và thị trấn Na Hang niêm yết, công khai tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố về kết quả kiểm tra, rà soát nội dung kiến nghị, đề nghị của công dân, tổ chức liên quan đến công trình nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa tại địa bàn huyện...

Ngày 28.3.2022, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức họp xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kết luận phiên họp giải trình trên. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung đánh giá cao trách nhiệm của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, UBND huyện Na Hang và các đơn vị liên quan trong thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tỉnh.

Nguyễn Ánh
Báo ĐBND

Tin cùng chuyên mục