Đất nông, lâm nghiệp: Với diện tích 530.800ha, chiếm trên 90% diện tích đất tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp có hơn 446.641ha, chiếm 76%. Tài nguyên đất khá đa dạng về nhóm và loại tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái nông - lâm nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng. Đây chính là tiềm năng, điều kiện để phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh.
Về sản xuất vật liệu xây dựng: Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển mạnh và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này là 18,6%/năm; giai đoạn 2011-
2015, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm. Năm 2015 giá trị sản xuất vật liệu xây dựng đạt 1.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Những sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu gồm: Xi măng, gạch tuynel, gạch không nung, bột đá siêu mịn. Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp tiếp tục là khâu đột phá, khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và làng nghề để công nghiệp nhanh chóng trở thành nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt trên 17.600 tỷ đồng. Trong đó: Công nghiệp chế biến nông, lâm sản đạt 5.949 tỷ đồng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt 2.430 tỷ đồng; ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim và công nghiệp hỗ trợ đạt 4.868 tỷ đồng...Thu hút, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản đồng bộ với phát triển vùng nguyên liệu, gắn kết hài hòa lợi ích giữa nhà máy chế biến với người trồng nguyên liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, giầy da, điện tử.
Một số sản phẩm chính phấn đấu đến năm 2020: Bột giấy đạt 70.000 tấn; giấy tráng phấn cao cấp đạt trên 140.000 tấn; xi măng đạt trên 1,15 triệu tấn; đường kính đạt trên 100.000 tấn; chè chế biến đạt trên 13.600 tấn; silicon mangan đạt trên 17.000 tấn; bột Barít đạt trên 100.000 tấn...Bên cạnh những dự án đã thu hút đầu tư và triển khai trong giai đoạn 2011-2015, thu hút thêm dự án xây dựng Nhà máy lắp ráp và chế tạo cơ khí công suất 20.000 tấn/năm, Nhà máy lắp ráp điện tử công suất 2.000 triệu sản phẩm/năm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện như: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải thiện môi trường và thu hút đầu tư; vốn; đất đai và phát triển cơ sở hạ tầng; khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường; đào tạo, sử dụng lao động; thị trường...Cùng với những tiềm năng sẵn có; điều kiện giao thông cả đường bộ, đường sông thuận lợi; các cơ sở hạ tầng như điện, nước và các dịch vụ khác tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã và đang được tỉnh tích cực hoàn thiện; những chính sách cụ thể trong thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh và nhiều chủ trương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ tạo nên nhiều bứt phá mới trong phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới./.